Từ một phát ngôn không chuẩn mực
(DNTO) - "Làm nail, bán online thì học thức không cao", phát ngôn này của đạo diễn Lê Hoàng lập tức gây bức xúc - không muốn nói là phẫn nộ, trong dư luận cộng đồng mấy ngày qua. Sự kiện này làm lộ ra sự thiếu nhất quán giữa nội dung và chủ đề của chương trình.
Câu nói này được cho rằng xuất hiện trong tập 12 “Có hẹn lúc 22 giờ” được phát sóng lúc 22h00 ngày 23/10 trên kênh HTV9, với sự tham gia của đạo diễn Lê Hoàng, diễn viên Hứa Minh Đạt và Quang Tuấn, liên quan đến chủ đề “Học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình không?”
Sau khi phát ngôn này bị đa số cư dân mạng tỏ thái độ không hài lòng và phản ứng gay gắt thì chương trình phát lại không còn thấy đoạn ghi nhận phát ngôn này của ông Lê Hoàng nữa. Tuy nhiên, có vẻ như dư luận còn rất bức xúc vì nó đụng chạm đến nghề nghiệp, có tính cách quy chụp, đánh đồng, không phù hợp với thực tế.
Thường trong một chương trình talkshow, người tham gia sẽ đưa ra những quan điểm, nhận định cá nhân, cùng nhau bàn bạc, tranh cãi xoay quanh chủ đề của chương trình. Nó đòi hỏi người tham gia, nhất là người cầm trịch, phải có kiến thức, sự hiểu biết nhất định và có nhiều trải nghiệm liên quan đến vấn đề đang được thảo luận. Họ thường là những người đủ tầm hiểu biết, có chính kiến, lập trường, đủ tài ăn nói một cách khéo léo, ứng biến nhanh nhạy trong các tình huống bất ngờ hoặc khi khai thác những khía cạnh khác của vấn đề hoặc của khách mời không có trong kịch bản. Họ còn là người hiểu tâm lý của khách mời và của khán giả.
Ngoài yếu tố con người ra, chủ đề của chương trình cũng là một yếu tố thu hút, quan tâm, tạo nên lượng tương tác của khán giả góp phần cho sự thành công của một talkshow.
Chủ đề là đề tài được chọn làm nội dung chủ yếu, là vấn đề cơ bản, vấn đề trung tâm được ban biên tập chương trình nêu lên để mọi người bám vào đó mà thảo luận. Chủ đề cần phải rõ ràng, không lập lờ, không đánh đố, có tính phổ quát, sát thực tế và đôi khi mang tính thời sự, kịp thời…
Nói riêng về chủ đề “Học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình không?”. Từ chủ đề này đến phát ngôn: "Làm nail, bán online thì học thức không cao", của đạo diễn Lê Hoàng hình như “Em đi xa quá... Em đi xa anh quá” (lời bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng). Học thức được ông đề cập trong phát ngôn của mình không “ăn nhập” gì đến chuyện ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, mà liên quan đến nghề nghiệp. Nó khiến cho câu chuyện đi ra khỏi khuôn khổ đề tài, động vào một vấn đề nhạy cảm của số đông, vấp phải phản ứng dữ dội của những người làm nghề nail và bán hàng online, kể cả những người ngoài nghề nhưng có sự đồng cảm với họ.
“Nghề nào cũng tốt khi kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của mình. Không phạm pháp, không lừa đảo là được, không nên phát biểu hồ đồ như thế”. “Xã hội nghề nào cũng đáng được tôn trọng. Nghề nào cũng là nghề cao quý miễn họ lao động chân chính…”, cư dân mạng bức xúc.
Có vẻ như gắn với chủ đề hơn, câu chuyện được xoáy vào vấn đề học thức. Nhưng sự dẫn dắt của người những người tham gia khiến cho khán giả đào sâu về khuynh hướng phân biệt học thức với đạo đức. Lập tức số đông chứng minh rằng, trong xã hội rất nhiều người ít học nhưng tư cách của họ hơn hẳn những người có học hàm học vị mà phẩm chất đạo đức tồi tệ.
Số người khác thì xoay câu chuyện học thức sang phạm trù văn hóa. Một facebooker đăng trên facebook của ông: “Văn hóa đời thường, văn hóa ứng xử mới quan trọng. Học vấn cao hay thấp cũng kệ, miễn văn hóa coi được”. Trạng thái này cũng được nhiều người đồng tình: Cư dân mạng có tên MR D.A bình luận: “Đừng tưởng học thức đi đôi với văn hóa! Học thức cao mà văn hóa thấp thì cũng vứt! Học vấn khác văn hóa”. Đây cũng là một kiểu bị dẫn dắt xa rời chủ đề.
Không chỉ có xa rời chủ đề mà còn mang tính chất “nguy hiểm” khi một số người “quá khích” phủ nhận luôn mặt tích cực của học thức. Họ quên rằng, “học hành đến nơi đến chốn” là mục đích vươn tới và khát khao cháy bỏng của tất cả bậc sinh thành đối với con mình với quan niệm, có con chữ mới có hy vọng “đổi đời”.
Một xã hội mà trình độ dân trí càng cao thì xã hội đó càng tiến bộ, văn minh và giàu đẹp. Một gia đình gồm tất cả người có học thức là một gia đình có nền tảng vững vàng. Điều này không thể phủ nhận. Phủ nhận mặt tích cực của học thức như kiểu: “Học vấn thấp năm kiếm gần “tỏi” là được rồi, làm theo cái bằng đại học cuối tháng còn mỗi cái nịt”, hay “Học cho lắm vào rồi lương ba cọc ba đồng không đủ sống học cao để làm gì”... là rất nguy hiểm nhất là trong giới trẻ.
Không thể có một xã hội mà học thức được chia đều cho tất cả mọi người. Luận về hạnh phúc gia đình dựa vào học thức chính là hạn chế của chủ đề chương trình này. Không thể nói người không có học thức thì gia đình không hạnh phúc. Thực tế chứng minh rất nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều ít học, mưu sinh bằng những nghề lao động chân tay nhưng gia đình họ cực kỳ hạnh phúc, con cái mạnh khỏe, giỏi giang, thành đạt. Nhưng cũng không ít cặp đôi ra tòa ly dị trong khi cả hai vợ chồng học thức rất cao.
Mở đầu talkshow, một trò chơi được đặt ra cho 3 nghệ sĩ: dùng đũa gắp đậu phộng vào bát. Chương trình giao cho diễn viên Quang Tuấn một đôi đũa lệch. Với đôi đũa này, Quang Tuấn phải trầy trật, vất vả và cố gắng gấp nhiều lần hơn người sử dụng hai chiếc đũa tương xứng nhau. Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực, Tuấn vẫn không thể về nhất, mặc dù cũng không thua kém là bao so với Hứa Minh Đạt là người dẫn đầu. Theo lời Hứa Minh Đạt: “Đôi đũa lệch tượng trưng cho sự chênh lệch giữa vợ với chồng về học thức trong gia đình”. Đến đây thì ý tưởng chủ đề đã được lộ ra rất rõ.
Vấn đề nằm ở chỗ này: Sự chênh lệch quá xa về học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc vợ chồng không? Câu chuyện sẽ rành mạch khúc chiết và thuyết phục hơn nếu như chương trình đưa ra chủ đề rõ ràng và các nhân vật tham gia biết cách bám sát chủ đề để dẫn dắt cảm xúc của người xem. Tất nhiên, kèm theo đây, những phát ngôn không thấu đáo, quy chụp, biểu hiện sự kỳ thị, ngạo mạn cần phải được chấn chỉnh.