Niềm vui gặp lại cho ngày ‘bình thường’
(DNTO) - Thành phố đang từng bước “mở cửa”, mọi hoạt động dần được bình thường trở lại. Phạm vi di chuyển được mở rộng, nới lỏng. Nhờ đó, nhiều người được gặp lại người thân của mình. Đây là một trong những niềm hứng khởi rất lớn của người dân, đặc biệt là với các cặp đôi đang trong quá trình yêu nhau.
Bắt đầu từ 0g ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do bùng phát dịch bệnh Covid-19. Gần ba tháng nỗ lực hết sức mình chống chọi với sự tấn công của SARS-CoV-2, tiếp theo là mấy tuần lễ “hồi hộp, rón rén, thăm dò” trải nghiệm, hôm nay thành phố đã từng bước trở lại với nhịp sống thường nhật. Tuy vẫn còn phải “đề cao cảnh giác”, nhưng với nhiều người, đây là sự kiện mang ý nghĩa rất quan trọng.
Ngoài việc các hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ, giao thông, việc làm, từng bước được mở rộng, nới lỏng…, thì việc được đi lại giao lưu, gặp gỡ sau một thời gian dài nhà ai nấy ở còn là niềm hứng khởi rất lớn của người dân thành phố, nhất là với các bạn trẻ, đặc biệt là các cặp đôi đang trong quá trình yêu nhau.
Có thể nói, giao tiếp là một nhu cầu cơ bản của cá nhân và xã hội. Giao tiếp là phương tiện để giao lưu, chia sẻ, trao đổi thông tin, cảm xúc của con người. Trong thời gian thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, mọi hoạt động đi lại hầu như bị ngưng trệ, ai ở đâu ở yên đó… là một thách thức rất lớn cho mọi người. May mà, dựa trên nền tảng internet: Viber, Zalo, Messenger cùng các trang mạng xã hội khác, chúng ta vẫn có thể làm việc, họp hành, mua bán, trao đổi từ xa bằng cách lập nhóm theo yêu cầu; vẫn có thể thăm hỏi, liên lạc, biết được tin tức của nhau.
Không bị ràng buộc về cự ly là ưu điểm của phương thức giao tiếp trực tuyến. Việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh thông qua các stickers biểu hiện cảm xúc thay cho ngôn ngữ cũng là một thế mạnh của phương thức này.
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội trong giao tiếp dù có tiện lợi mấy vẫn không thể thay thế được nhu cầu gặp gỡ giao lưu trực tiếp giữa người và người. Không gian mạng cho dù có “huyền bí” thế nào cũng không thể mang trên đó hơi thở thiên nhiên sinh động như khung cảnh thực tế. Huống hồ con người cần nhìn thấy nhau, cần “cầm nắm”, cần “hít hà” nhau, cần một ánh mắt nhìn tha thiết, cần cảm nhận hơi ấm của bàn tay, cần thưởng thức vị ngọt của nụ hôn nồng nàn, cần những cảm xúc đặc biệt khi giao tiếp…
Với các cặp tình nhân, các nhà chuyên môn về tình dục học còn dành cho họ một khám phá có liên quan đến vai trò vô cùng quan trọng của phương thức giao tiếp trực tiếp thông qua các cử chỉ như nắm tay, ôm, hôn, vuốt ve, mơn trớn… Nhờ quá trình “đụng chạm” thân mật, âu yếm này mà cơ thể con người sản sinh ra oxytocin, một loại hormone được thân thiện gọi là “hormone tình yêu”. Loại hormone này đóng vai trò kích thích các cảm xúc tích cực, đem lại phút giây thư giãn, mang đến sự tin tưởng, là sợi dây gắn kết tình yêu giữa hai người
Ngoài ra khi giao tiếp trực tiếp, khuôn mặt và đôi mắt, sự chuyển động của cơ thể, tư thế, kể cả trang phục cũng góp phần thể hiện những thông điệp đa dạng của cảm xúc. Theo Eckman, Paul Ekman, một chuyên gia tâm lý, giáo sư danh dự người Mỹ tại Đại học California, San Francisco thì, thời gian giao tiếp bằng mắt được thiết lập giữa hai người càng lâu, mức độ thân mật càng cao.
Bắt đầu từ những ngày cuối tháng 9, dịch bệnh có chiều hướng lắng xuống, thành phố dần gỡ bỏ rào chắn, giãn cách từng bước được nới lỏng. Mỗi ngày trôi qua, màu xanh trên bản đồ Covid ngày càng lan rộng, niềm vui trở lại cuộc sống bình thường hiện diện trong từng ngôi nhà, khu phố, trên từng gương mặt người.
Bà T.A ở Phường 5, Quận 8 về hưu từ hai năm nay, niềm vui duy nhất của bà là mỗi cuối tuần được hai đứa cháu ngoại về chơi. Mấy tháng giãn cách, tuy là tối nào bà cháu cũng FaceTime với nhau nhưng: “Vẫn cứ nhớ cháu không ngủ được, cảm giác thèm thơm vào má cháu, thèm ôm cháu vào lòng, thèm được lăng xăng nấu cho chúng nó món này món nọ…, chứ nhìn qua cái màn hình điện thoại thì bõ bèn gì”, bà thổ lộ. Mấy tuần nay, lại được cháu về thăm, cái điện thoại thông minh hết pin bà cũng không màn cắm vào ổ điện.
Bạn P.Q là sinh viên năm hai của Trường Đại học Sư phạm viết trên trang cá nhân của mình về những cảm xúc rất đặc biệt khi được gặp lại “anh ấy” sau mấy tháng “nhà ai nấy ở”, mặc dù vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện hằng ngày. Bức hình chụp hai bạn tay trong tay dưới hàng cây trong công viên, cả hai khẩu trang che kín mít nhưng ánh mắt nhìn nhau ngời ngời hạnh phúc thì không giấu được.
Thế mới biết, cho dù xã hội có tiến bộ đến đâu, khoa học kỹ thuật có phát triển tới dường nào, các thiết bị thông tin liên lạc có “quyền năng” bao nhiêu… cũng không thể mang đến cho con người những cảm xúc yêu thương hoàn hảo nếu chúng ta không có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nhau trực tiếp.