Bạn sẽ làm gì khi xã hội nới lỏng giãn cách?
(DNTO) - Sau gần 4 tháng đối mặt muôn ngàn khó khăn vì giãn cách, thông tin ngày 30/9 tới đây, Sài Gòn sẽ bước sang phương cách chống dịch mới, "dễ thở" hơn khiến người dân mong đợi từng phút, từng giây. Người dân Sài Gòn sẽ “hưởng ứng” sự kiện này như thế nào, bày tỏ niềm vui ra sao, không thể hình dung hết.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của chính quyền và người dân thành phố trong đợt bùng phát lần thứ 4, có lúc tưởng đã ngoài tầm tay với, cuối cùng cũng cơ bản từng bước vượt qua đỉnh điểm khó khăn nhất.
Vùng xanh trên bản đồ Covid-19 càng lúc càng được mở rộng, đồng nghĩa với niềm vui và hy vọng gỡ bỏ giãn cách của người dân TP.HCM ngày càng lớn thêm. Bên cạnh đó, thông tin từ phiên họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, cho biết đến ngày 30/9, các rào chắn thép gai, dây giăng ở những tuyến đường, con hẻm trong phạm vi thành phố sẽ được tháo dỡ… càng làm người dân háo hức chờ đợi.
Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện chuyên chở hàng hóa sẽ được kết nối, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dần được mở lại, mọi người sẽ trở lại với công việc mưu sinh của mình.
Từng bước, Sài Gòn sẽ trở lại nhịp sống sôi động nhộn nhịp như vốn từng. Sự hồi sinh của Sài Gòn sẽ kéo theo sự hồi sinh của hàng chục triệu con người vì thành phố này bốn tháng qua cố gắng vắt kiệt sức mình chung tay cùng Chính phủ vượt qua một đoạn đường hết sức gian nan.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi mừng vui, không thể bỏ qua sự lo lắng. Lo lắng người dân sẽ tràn ra đường trong ngày đầu giãn cách, mà tình hình Hà Nội vừa qua là một thực tế chứng minh.
Vaccine ngừa Covid mũi 2 vẫn chưa phủ hết cho người dân; nhiều người vẫn chưa được tiêm mũi 1; nhiều ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đang tự điều trị ở nhà vẫn chưa hết thời gian an toàn càng khiến nỗi lo trên có cơ sở nhân lên.
Vừa qua, khi các chỉ thị giãn cách được nới lỏng rơi vào dịp Rằm Trung Thu, người dân Hà Nội đã lao ra đường, chen chúc nhau đi chơi lễ khiến cư dân mạng được một phen bình luận sôi nổi với những quan điểm trái chiều. Hầu hết mọi người dùng hai từ “ý thức” để ám chỉ hành động này.
Thật ra, phê phán đó là hành động “vô ý thức” là có phần cực đoan, duy ý chí. Nếu nhìn vào thực tế khách quan và đặc điểm tâm sinh lý tự nhiên của con người, không khó để nhận ra, việc khiến người dân đua nhau ra đường sau giãn cách có khá nhiều nguyên nhân.
“Xổ lồng” là một nhu cầu có thật của bất kỳ sinh vật nào khi bị "nhốt" trong một thời gian và không gian bức bách quá lâu, nhất là với người vốn ưa dịch chuyển, sống hướng ngoại. Buộc phải kiềm chế những nhu cầu cơ bản tối thiểu trong đời sống hàng ngày, con người thường có xu hướng “tự thưởng” xem như điều kiện thỏa mãn tinh thần khi có điều kiện.
Bên cạnh đó, ra đường là cách thể hiện quyền kiểm soát cuộc sống, xả khối năng lượng bị dồn nén khiến các thành viên trong gia đình trải qua giai đoạn căng thẳng, cáu gắt, cãi vã trong thời gian “trốn dịch”.
Người già nhớ cung đường rợp bóng cây trong mỗi buổi mai tản bộ dưỡng sinh. Các bà nội trợ nhớ những gian hàng thịt cá, rau củ và tiếng í ới chào mời của mấy thím bạn hàng. Các cô cậu học trò nhớ không gian của quán trà sữa trân châu, nhớ món bánh tráng trộn, nhớ hương vị bún đậu mắm tôm. Thậm chí chỉ cần gặp nhau, nhìn nhau một cái cũng đủ thỏa mãn. Đó là những nhu cầu có thật, rất con người… khiến người ta cần ra đường.
Niềm tin vào các biện pháp chống dịch, những quy định thông qua các chỉ thị của Chính phủ trong công cuộc chống dịch thời gian qua, cũng là một cơ sở để người dân yên tâm 5K ra đường khi được cho phép.
Cũng phải kể đến nhu cầu gặp gỡ của các ông bà, cha mẹ với con cháu. Nhất là tình cảm, sự xa cách, nhớ nhung của đôi lứa yêu nhau. Họ đếm từng ngày chờ đợi sự tao ngộ, một nụ hôn chưa thể trao nhau thì ít nhất cũng nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt hoặc “liều lĩnh” nắm tay, truyền cho nhau hơi ấm quen thuộc.
Còn một điều rất thú vị, có lẽ không nhiều người nhận ra, đó là lần đầu tiên Internet không còn tỏ rõ sức mạnh của nó như lâu nay mọi người đã tưởng: Không gian bao la, tốc độ vũ bão và sự kết nối thần thánh của Internet không hề làm cho nhu cầu được tiếp xúc gần gũi của con người mất đi.
Căng thẳng, sợ hãi và cô đơn - những cảm xúc tiêu cực con người đối mặt trong thời gian giãn cách xã hội sẽ được cải thiện bởi sự giải phóng oxytocin (còn gọi là hormone tình yêu) qua tiếp xúc trực tiếp bằng sự đụng chạm, ôm ấp, điều này đã được các nghiên cứu khoa học chỉ ra.
Trở lại với Sài Gòn, nơi sự tàn khốc của dịch bệnh làm con người tổn thất trầm trọng cả tinh thần, vật chất, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người; nơi sự giãn cách triền miên khiến nhiều người lâm vào đói khổ vì không có thu nhập… “Chỉ muốn được đi làm trở lại để kiếm tiền sinh sống thôi. Không dám tụ tập chơi bời gì nữa vì sợ dịch bùng trở lại và cũng vì đã cạn kiệt tiền bạc…” là nỗi lòng của rất nhiều người Sài Gòn trước ngày nới lỏng giãn cách.
Để có thể trở lại nhịp sống bình thường, chúng ta không thể không “mở cửa”. Việc người dân ứng xử như thế nào là tùy thuộc vào hoàn cảnh và cách nghĩ của mỗi người. Song, hy vọng ai cũng vì quá sợ dịch, sợ giãn cách, quá ám ảnh bởi sự vắng lặng của Sài Gòn trong thời gian dài vừa qua mà nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Để Sài Gòn bình yên, mạnh khỏe, để giai đoạn khủng khiếp này không lặp lại lần nữa, trước khi ra đường, bạn nên tự hỏi: "Có thực sự cần thiết 'bay nhảy' không?".