Có phải đại dịch là 'sự cân bằng của tạo hóa'?
(DNTO) - Con người hoàn toàn có thể chủ động “cân bằng tạo hóa” bằng cách thay đổi nhận thức hành vi, ứng xử đúng mực với môi trường, bằng các thành tựu khoa học, bằng các biện pháp chế tài nghiêm khắc…, chứ không cần các bài học do đại dịch mang lại.
Khác với chiến tranh, cuộc chiến “đánh nhau” với Covid-19 là một cuộc chiến mò mẫm với một đối thủ vô hình, không biết đến từ đâu, vào lúc nào và bằng cách gì. Thực tế, rất nhiều người ngạc nhiên, không biết vì sao mình bị nhiễm bệnh trong khi suốt thời gian dịch bệnh, họ hoàn toàn đóng cửa ở trong nhà. Câu trả lời chỉ là những dự đoán mơ hồ chứ không có cơ sở nào chứng minh là chính xác.
Rồi tới việc cho rằng những người có nguy cơ tử vong khi nhiễm bệnh là người già, người có bệnh nền. Nhưng rồi người khỏe mạnh, trẻ tuổi vẫn tử vong. Câu trả lời lại cũng chỉ loanh quanh… Hồi đầu dịch, cứ tưởng con virus chỉ tấn công người lớn mà tha cho trẻ nhỏ, nhưng đến nay hàng nghìn trẻ em đã mắc phải và đã có trường hợp tử vong.
Cho nên có thể nói, mặc dù đã 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhưng thật sự con người vẫn chưa hiểu hết về nó.
Để tự trấn tĩnh, an ủi trước giới hạn của khoa học và giới hạn của sức ép tâm lý, để bớt hoảng loạn, có người dựa vào các hiện tượng xã hội và tâm linh rồi lạnh lùng phán: “Đó là sự cân bằng của tạo hóa”. Và khi khoa học chưa thể hiểu rõ về bản chất thật của dịch bệnh và vẫn còn đang loay hoay mò mẫm tìm cách sống chung với nó, thì có người chỉ ra “khía cạnh tích cực” của dịch bệnh như cái cách để tạo ra sự lạc quan trước sự khốc liệt của đại dịch.
Họ cho rằng “đại dịch này dạy cho chúng ta rất nhiều bài học”. Đại loại như: Làm cho con người biết thích nghi với mọi nghịch cảnh, biết chấp nhận biến động của cuộc sống; dạy con người kỹ năng sinh tồn, biết tích cốc phòng cơ; trân trọng không phung phí thức ăn, biết đủ là đủ; biết học văn hóa xếp hàng và kiên nhẫn chờ đến lượt; biết quý trọng tình nghĩa; biết học cách nhường cơm sẻ áo; biết cách gắn kết tình cảm gia đình…
Người ta ca ngợi bầu trời xanh, cho rằng nhờ đại dịch làm chỉ số ô nhiễm xuống thấp nhất, nhà máy ngừng sản xuất, các chuyến bay bị hủy, làm giảm hàng nghìn tấn CO2 thải ra môi trường; nhờ đại dịch mà giảm nạn tắc đường…
Rồi người ta kết luận “Con virus SAR-CoV-2 đang cứu trái đất khỏi nguy cơ diệt vong”. Đó là “cách nghĩ tích cực” của những “người tích cực” trước thảm cảnh do Covid-19 mang lại.
Có điều chắc chắn người ta sẽ bớt nghĩ đại dịch theo “cách nghĩ tích cực” kiểu như trên, nếu người ta biết được con số trẻ em phút chốc trở thành mồ côi cha/mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc kèm theo cả ông/bà nội/ngoại chỉ trong một đợt dịch quét qua Sài Gòn.
Trong đó có trẻ sơ sinh, nhiều trẻ em ở tuổi nhi đồng, thiếu niên. Bài học “thích nghi với mọi nghịch cảnh, biết chấp nhận biến động của cuộc sống” thật là một bài học quá sức với các em. Mồ côi trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, người lớn chưa chắc đã thích nghi được một cách dễ dàng. Thời gian này lại rơi vào đầu năm học, với những em bình thường thích nghi với cách học online đã là một việc khó, huống hồ…
Nhưng thích nghi được thì sao? Bầu trời xanh thì ý nghĩa gì? Khi các em còn cả một tương lai rộng dài trước mắt không có bàn tay chăm sóc của mẹ, không có sự giáo huấn của cha, không có tình thương yêu của đấng sinh thành. Các em như một người khuyết tật tinh thần bước đi khập khiễng trong cuộc đời, bao nhiêu em trong số đó sẽ trở thành người tử tế và ngược lại? Đó là chỉ nói đến phận người chứ chưa nói đến gánh nặng xã hội.
Nếu như người mất vợ, mất chồng được mang tên góa bụa, đứa trẻ mất cha mẹ được kêu là trẻ mồ côi, thì những ông bố bà mẹ mất con không có tên để gọi vì nỗi đau quá lớn không thể đặt tên. Trong đại dịch, cảnh “tre già khóc măng non” hay “người đầu bạc tiễn người đầu xanh” không phải hiếm. Nỗi đau mất con ở nhiều người già còn đồng nghĩa với gánh nặng phải đeo mang các cháu mồ côi suốt quãng đời bóng xế.
Trên đây chỉ là những di chứng mà Covid-19 để lại cho con người liên quan đến con người. Chưa kể đến các thiệt hại về kinh tế có thể làm kiệt quệ một đất nước đang phát triển, khiến dân tình lầm than đói khổ trong một thời gian nhất định.
Vậy thì có phải đại dịch “đang cứu trái đất khỏi nguy cơ diệt vong” như ai đó đã nói hay không?
Theo tôi, con người hoàn toàn có thể chủ động “cứu trái đất khỏi nguy cơ diệt vong” bằng cách thay đổi nhận thức hành vi, ứng xử đúng mực với môi trường, bằng các thành tựu khoa học, bằng các biện pháp chế tài nghiêm khắc… Con người hoàn toàn có thể chủ động trong các mối quan hệ, giữ gìn giềng mối gia đình, bằng những sự lan tỏa giá trị nhân văn trong cuộc sống...