Họ Từ làm Olong từ trà Shan cổ thụ Việt
(DNTO) - Olong là một kỹ thuật chế biến từ những giống trà lai tạo như Kim Tuyên, Tứ Quý Xuân, Thanh Tâm, Thúy Ngọc… Sử dụng nguyên liệu trà khác để làm Olong, trong lịch sử ngành trà, là điều từng được nghĩ đến, nhưng chưa bao giờ thành công.
Trong cái lạnh trời Đông xứ Bắc, khi đón chén trà ấm nóng của vị tiên sinh họ Từ đến từ xứ Đài – ông là người làm trà nay đã đến đời thứ 6 chuyên về Đông phương mỹ nhân và Olong ở huyện Miêu Lật, Đài Loan, nhưng đã 10 năm thâm niên lặn lội khắp các cánh rừng, vùng trà Shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang, đặc biệt là Hoàng Su Phì để tìm hiểu, nghiên cứu, sản xuất thử loại trà ngàn năm tuổi, cực quý hiếm của cả thế giới - người viết không khỏi giật mình vì chưa đưa chén trà lên đến miệng, đã thấy thoảng trong không khí hương mật ngọt đặc trưng, quen thuộc và dễ nhận trong các phẩm trà của Đông phương mỹ nhân, Olong hồng trà… theo phong cách chế biến Đài Loan.
Nhìn màu nước chén trà, thật trong, đẹp, đỏ sáng, mạo muội hỏi người làm trà: “Olong hồng trà ông mang từ Đài sang?”. Câu trả lời thật bất ngờ: “Đâu có, trà cổ thụ Việt đấy, anh mới nghiên cứu thành công, làm theo cách sản xuất Olong”. Từ lâu lắm rồi, khái niệm lấy các giống trà công nghiệp (không phải các loại trà được kể ở phần trên) làm ra Olong, là điều không thể. Ngay ở ngành trà Việt, từ những năm 1980, khi lãnh đạo ngành trà được thưởng thức trà Olong, ngất ngây với hương vị của nó, đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Chè tìm cách sản xuất ra trà Olong, một số đơn vị khi ấy đem trà công nghiệp ở Sơn La, Phú Thọ đưa vào thử nghiệm, nhưng chỉ ra được hình hài viên viên như Olong, còn pha uống thì cả hương lẫn vị đi đằng nào mất cả. Vị viện trưởng đưa ra kết luận đây là điều không thể, bởi Olong không chỉ là kỹ thuật, cách chế biến, mà quan trọng hơn cả là giống trà.
Đến những năm 1990, cây trà giống làm nên Olong được nhập từ Đài Loan sang Việt Nam theo một chuyên cơ riêng, cả chuyến bay ấy chỉ chở toàn trà, trồng ở vùng Lâm Đồng, sau đó các cây giống tiếp tục du nhập, phát triển đến Mộc Châu, đến nay lan rộng khắp địa danh khác quanh Lâm Đồng – Đà Lạt – Bảo Lộc cho đến Sơn La – Lai Châu... Nhiều sư phụ làm trà từ Đài Loan cũng lặn lội sang Việt Nam để sản xuất trà Olong và chỉ dạy kỹ thuật cho người làm trà Việt, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu Olong có tên tuổi trên bản đồ trà thế giới. Nhưng để sản xuất trà Olong, phải là giống trà chuyên biệt, đó là thực tế không thể phủ nhận.
Vị tiên sinh họ Từ kể trên, nay đã ngót nghét thập lai hy, đời làm trà gia đình ông cũng chưa ai từng nghĩ sẽ có ngày Olong được làm từ một loại trà khác. Cho đến nhân duyên năm 2011, trong chuyến lên Hà Giang khảo sát, ông được uống trà Shan cổ thụ vùng Hoàng Su Phì và với nhạy bén của người làm trà, ông nhận ra ngay đây là thứ nguyên liệu đặc biệt mà bản thân sau này tiết lộ: “Đi qua hơn 50 quốc gia trên thế giới có cây trà, chưa từng gặp qua những thứ quý giá như ở Việt Nam”.
Vậy là ông nên duyên với mảnh đất Hoàng Su Phì, cứ đi đi – về về giữa miền núi, miền xuôi, hễ nghe chỗ nào ở Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi… những vùng núi cao, có cây trà cổ thụ là lại tìm đến, nhờ dân bản thu hái, đem về xưởng chế biến ở Thái Nguyên nghiên cứu, mày mò, vận dụng kỹ thuật làm Olong để chế biến ra đủ loại trà khác nhau và gửi về Đài Loan, gửi đến các bạn trà Việt Nam… mời dùng thử.
Ông cần mẫn, nhẫn nại, thử nghiệm hỏng không biết bao nhiêu trà nguyên liệu, và cũng vỡ òa mỗi khi tạo ra một phẩm trà ưng ý, từ Hồng trà, Đông phương mỹ nhân, Mật ong hồng trà... Ông thường tâm sự: “Việt Nam thật tự hào vì có những cây trà cổ thụ quý như vậy, có cây cả ngàn năm tuổi rồi, các bạn cứ nghĩ xem, tuổi cây vĩ đại như thế, mà vẫn hàng năm cho búp non để hái về làm trà, tôi xem đấy là một ân huệ trời ban, vì không phải người làm trà nào cũng được tiếp cận những tinh hoa ấy”.
Cũng vì những gốc trà đại thụ, hiên ngang với núi rừng Hoàng Su Phì, đã khiến ông bỏ hết an nhàn của một người thành đạt xứ Đài, lặn lội lên miền núi, cùng ăn, cùng ở với đồng bào nơi có vùng trà cổ thụ. Hỏi về cái lý bỏ phố lên rừng, ông tâm sự: “Trà mênh mông lắm, cả nghìn năm. Mình chỉ mới gần 70, so với tuổi trà khác gì một đứa trẻ, nên còn phải học nhiều, 10 năm, có xá gì”.
“Tôi kỳ vọng được góp phần đem tinh hoa trà Việt ra sân chơi toàn cầu, chưa khẳng định là ngon nhất, nhưng chắc chắn nó là thứ trà quý nhất, sạch nhất, và đáng được tôn vinh” - vị tiên sinh họ Từ.
10 năm nghiên cứu, với đủ những cay – đắng – ngọt – bùi cùng trà cổ thụ Việt, rồi một ngày đẹp trời, ông hoan hỉ bảo quyết định làm xưởng ở ngay vùng trà Túng Sán, Hoàng Su Phì để tiện việc chế biến. Đại dịch Covid-19, chẳng thấy tăm hơi ông đâu, hóa ra từ những hương vị nền của vùng trà Túng Sán, ông lại mày mò, nhào nặn những lá trà để ủ hương, bắt hương, lên hương… Olong Shan tuyết, Olong hồng trà được ra đời từ những nghiên cứu và ứng dụng không mệt mỏi của ông với trà Shan cổ thụ Việt.
Nói về thử nghiệm thành công của mình, ông Từ vui vẻ: “Làm được Olong Shan tuyết, Olong hồng trà vất vả lắm, phải quấn quả rất nhiều, hơn 200 lần, mới bắt được hương như ý. Rồi phải lên men, ủ, sấy, mất cả tháng mới xong được mẻ trà. Mệt, vất vả, nhưng vui vì bây giờ mình đã chứng minh được trà cổ thụ Việt rất đặc biệt, có thể làm được cả trà Olong”.
Lấy tên xưởng nối từ Hà Giang và tên tục mọi người thường gọi ông là An, thành Hà An trà, hỏi về dự định trong tương lai, ông nhỏ nhẹ: “Trà công nghiệp Việt, khi ra thế giới, người ta vẫn nhìn ở phẩm cấp thấp, tôi nghĩ đã đến lúc để mọi người thấy rằng trà Việt còn những tinh hoa, quý báu hơn rất nhiều, đó là những rừng trà cổ thụ giống nguyên bản, tôi xin khẳng định là nhiều và kích cỡ lớn nhất thế giới, đồng nghĩa đó là những cây trà quý nhất, sạch nhất”.