GS.TSKH Nguyễn Mại: 'Cần thiết thành lập Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu'
(DNTO) - Nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của cải cách thuế toàn cầu đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Mại đã kiến nghị thành lập Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu do một Phó Thủ tướng đứng đầu.
Tại Hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” sáng nay 14/6, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) GS/TSKH Nguyễn Mại cho hay, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm)... Nếu mức thuế tối thiểu 15% được áp dụng thì những ưu đãi này sẽ không còn áp dụng.
Khẳng định thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới của thế giới có tác động lâu dài đến chủ trương thu hút và sử dụng vốn FDI của nước ta, do đó, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam cần phải chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc "cùng có lợi", để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp những nước chọn đơn phương giải quyết mà không đàm phán với doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến việc tranh chấp bằng trọng tài với các công ty, gây tốn kém, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư. GS.TSKH Nguyễn Mại cũng đề xuất Chính phủ nên đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu một số nội dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh.
Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia Châu Á và trong khu vực đã đi trước và đã áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ khác ngoài ưu đãi thuế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
"Ví dụ, Trung Quốc đã cung cấp một số hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút sự phát triển trong các ngành công nghiệp tiên tiến, hoặc họ cung cấp các khoản hỗ trợ cho các công ty để giúp các công ty giảm bớt chi phí về điện của mình. Malaysia cũng cung cấp một số nguồn vốn hoặc các khoản vay ưu đãi nhất định để thúc đẩy công nghệ sinh học. Ấn Độ đưa ra các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất để thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động...", ông Mại dẫn chứng.
Khuyến nghị với Việt Nam, ông Mại cho rằng, để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu.
"Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận tương tự và thiết kế lại các cơ chế khuyến khích đầu tư của mình để đảm bảo quyền thu thuế, đồng thời giữ được sức hấp dẫn và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội tốt để xem xét lại những khoản đầu tư mà quốc gia muốn tập trung", ông Mại nhận định.
Theo đó, để thực hiện được các nội dung trên đây, ông Mại kiến nghị Chính phủ thành lập “Tổ công tác đặc nhiệm về thuế tối thiểu toàn cầu” bao gồm các chuyên gia có chuyên môn để phân tích, đánh giá các ảnh hưởng cũng như nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đột phá và dung hòa lợi ích của các bên nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của cải cách thuế toàn cầu đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là đề xuất nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời cũng là giải pháp nhiều nước đang áp dụng.
"Tổ công tác cũng giúp các bộ, ngành trao đổi với nhau để thống nhất định hướng, đề ra các giải pháp, giúp Chính phủ chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ các doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước. Tổ công tác có thể giúp Thủ tướng trao đổi bàn bạc với nhà đầu tư có doanh thu từ 750 triệu EU để hài hòa lợi ích", ông Mại cho hay.