Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm chậm, giảm so với cùng kỳ
(DNTO) - Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2022 đạt 34,47% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%).
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 7182, báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 6 tháng, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2022.
Đối với giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2022 là 148.836,03 tỷ đồng, đạt 25,18% kế hoạch và đạt 27,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, vốn trong nước là 145.663,20 tỷ đồng, đạt 26,19% kế hoạch giao là 556.253,966 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 3.172,83 tỷ đồng, đạt 9,12% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng.
Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/7/2022 là 186.848,16 tỷ đồng, đạt 31,61% kế hoạch (đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó, vốn trong nước là 182.706,70 tỷ đồng, đạt 32,85% kế hoạch và đạt 36,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 4.141,46 tỷ đồng (đạt 11,90% kế hoạch).
Nhận xét về tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%); trong đó, vốn trong nước đạt 36,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,38%), vốn nước ngoài đạt 11,90% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%).
Có 3 Bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1%).
Có 36/51 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 Bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% (có 1 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).
Về tình hình thực hiện báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, mới nhận được báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 7/2022 của 12/51 Bộ, cơ quan trung ương và 47/63 địa phương.