Gánh nặng Covid-19 đẩy mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống thấp kỷ lục
(DNTO) - Tuy nền kinh tế Trung Quốc đã "thấm đòn" sau ba năm chịu áp lực của các chính sách chống dịch Covid-19, việc mở cửa trở lại của quốc gia này mang đến hy vọng mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2022, sức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã bị đẩy xuống mức tồi tệ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, bởi gánh nặng của những đợt đóng cửa giãn cách xã hội. Đó là cái giá phải trả cho chính sách chống dịch Covid-19 khắt khe mà chính quyền Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ gần đây.
Theo dữ liệu vừa được tung ra bởi Bộ Thống kê quốc gia Trung Quốc vào lúc 3g chiều, 17/01, nền kinh tế Trung Quốc chỉ nới rộng 3% trong 2022, một mức thấp hơn rất nhiều so với con số 8,1% của 2021. Ngoại trừ năm 2020, khi nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,2%, mức tăng trưởng sản phẩm nội địa của năm 2022 là tồi tệ nhất kể từ 1976 - theo ghi chú của World Bank Data.
Chiến dịch dỡ bỏ gần như hoàn toàn các giới hạn chống dịch sẽ đặt nền móng cho sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc. Sau gần 3 năm xã hội và kinh tế Trung Quốc bị bóp nghẹt dù chỉ với những bùng phát của ổ dịch nhỏ, nay các chuyên gia kinh tế mong rằng sự hồi phục của đất nước tỷ dân sẽ “giảm đau” cho nền kinh tế thế giới, trong khi Mỹ và châu Âu đang lượn lờ bên bờ vực suy thoái kinh tế.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã có nhiều động thái không chỉ nới rộng kiểm soát mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc phân khúc công nghệ và ngành bất động sản, cũng như bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc.
Mức độ hồi phục vẫn còn là một ẩn số. Vẫn còn nhiều chướng ngại trong đó bao gồm nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thuyên giảm, niềm tin của người tiêu dùng nội địa đang ở mức “chạm đáy” sau thời gian giãn cách xã hội. Nhiều nhà phân tích lo sợ thời kỳ chống dịch Covid-19 sẽ để lại nhiều “vết thương” trong thị trường việc làm, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa - vốn cần thời gian dài để hồi phục.
Bên cạnh đó, còn tồn tại những vấn đề dài hạn như những tranh chấp với chính quyền Mỹ và một dân số trở nên yếu dần. Dữ liệu được tung ra cùng ngày cho thấy dân số Trung Quốc trong 2022 đã "co rút", lần đầu tiên kể từ 1960. Mất đi 850.000 người, tổng số dân Trung Quốc chỉ còn 1,412 tỷ người, một kết quả của tỷ lệ sinh thấp dần trong nhiều năm qua.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn nằm trong “gọng kìm” của những đợt bùng phát ca nhiễm Covid-19 mới, diễn ra ngay sau khi họ mở cửa trở lại. Kể từ đầu tháng 12, chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận có đến hàng trăm triệu ca nhiễm mới, dẫn đến khoảng 60.000 ca tử vong - một con số mà các chuyên gia y tế tin rằng thấp hơn so với thực tế.
Dữ liệu được tung ra trong ngày thứ Ba, 17/01, cho thấy hệ quả kinh tế của thời kỳ chống dịch. Doanh thu bán lẻ đã rớt 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã từ tăng 12,5% trong 2021. Sức tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng năm tuột xuống 3,6%, so với mức 9,6% của năm trước. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,1%, chỉ hơn một chút so với 4,9% được ghi nhận vào năm 2021.
Xuất khẩu tăng 10,5% trong 2022, mặc dù dữ liệu hàng tháng gần đây nhất cho thấy nhu cầu cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm dần do người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang hứng chịu ảnh hưởng của lạm phát và mức lãi suất cho vay tăng cao.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán 3 tháng đầu tiên của 2023 sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc, với mức tăng trưởng bắt đầu khởi sắc trở lại trong quý 2, sau khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã tan dần.
Tuy vậy, Robin Xin, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, cho biết, sau khi phân tích dữ liệu lượng hành khách đi tàu điện ngầm và tắc nghẽn giao thông ở 98 trong số 100 thành phố hàng đầu của Trung Quốc, ông tin rằng sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 5,7% trong 2023.
Ngay tại lúc này, đã có nhiều tỉnh và thành phố đặt ra các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. 29 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 5% cho năm 2023. Mười hai tỉnh, bao gồm vùng đông dân cư ở Tứ Xuyên và miền trung Hà Nam, mong muốn đẩy nền kinh tế của họ lên khoảng 6%.
Với nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang trên đà “nguội lạnh”, thậm chí có thể đi vào suy thoái trong năm nay, sự hồi phục của Trung Quốc sẽ là yếu tố then chốt đối với nền kinh tế toàn cầu. Ông Xing cho biết Trung Quốc có thể chiếm khoảng 40% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023.
Hiệu ứng phụ: Nhu cầu năng lượng hồi phục trở lại của Trung Quốc sẽ có thể làm nóng lại mức tăng của lạm phát toàn cầu, vốn đang có dấu hiệu đi xuống. Giới phân tích lo ngại điều này có thể trì hoãn thời điểm mà các ngân hàng trung ương có thể nới lỏng các chính sách tiền tệ khó khăn.