Các tỷ phú Trung Quốc có thể thở phào nhẹ nhõm trong 2023? Bài 1: Chính sách ưu đãi kinh tế đang mờ dần
(DNTO) - Các đại tỷ phú Trung Quốc đã phải trải qua thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19. Những tưởng đã có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng năm 2023 lại mang đến những trở ngại mới cho các doanh nhân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
2022 đã là năm tồi tệ nhất cho các tỷ phú lớn nhất của Trung Quốc.
Chưa thể thở phào
Với các chính sách chống dịch nghiêm ngặt vắt kiệt sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, giá trị tài sản của các nhà tài phiệt đã “lao dốc ngoạn mục”. Mặc dù chính quyền Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại, các đại tỷ phú ở đất nước này vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm.
Lý do là các nhà phân tích dự đoán chính sách ưu đãi kinh tế của chính quyền Trung Quốc đang trở nên mờ dần trong 2023.
“Đến khi tình trạng nền kinh tế trở nên ổn định, tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục tiến hành những việc đã làm vào trước tháng 11/2022” - Chen Zhiwu, Giáo sư Kinh tế thuộc Trường Đại học Hồng Kông đánh giá.
Chen ám chỉ các áp lực từ chính quyền Trung Quốc, vốn đã xoá bỏ gần như hoàn toàn mức tăng trưởng doanh thu của những công ty công nghệ khổng lồ ở nước này; đẩy hàng loạt công ty phát triển bất động sản tại quốc gia này đến con đường phá sản, vì họ không còn có thể sử dụng vay tín dụng.
Nay, nền kinh tế ở Trung Hoa đại lục gần như chững lại cùng với tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục mới, cách thức điều khiển dựa theo hệ tư tưởng của chính quyền Trung Quốc đã được xếp qua một bên. Nhưng không có nghĩa chính quyền Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn việc này.
Cân bằng đường lối
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đoạt được “cổ phiếu vàng” của những công ty nền web khổng lồ Alibaba và Tencent. Cổ phần theo cơ chế này nhỏ, chỉ khoảng 1%, nhưng cho phép chính quyền Trung Quốc có quyền đặc biệt để đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng.
Tuy vậy, các đại tỷ phú vẫn có thể hưởng thụ một phần lợi ích trong khi Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng đường lối của họ.
Chỉ trong những ngày đầu năm 2023, Jack Ma, một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong "làng đại gia” của Trung Quốc, đã có thể đẩy giá trị tài sản của ông lên mức 25,6 tỷ đô la, tăng chóng vánh chỉ từ 2,3 tỷ đô la. Nhưng tài sản của Jack Ma vẫn chỉ bằng 50% so với hồi 2021.
Chính quyền Trung Quốc cuối cùng cũng đã chấp thuận kế hoạch gầy vốn trị giá 1,5 tỷ đô la của Ant Group. Mặc dù trước đó, Trung Quốc đã bất ngờ huỷ đợt IPO trị giá 35 tỷ đô la của hãng này vào hồi cuối 2020, sau khi Ma chỉ trích hệ thống ngân hàng quốc gia.
Nhưng sau đó, nhà sáng lập 58 tuổi của Ant và hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba đã đồng ý giảm quyền biểu quyết trong Ant xuống chỉ còn 6,2%, giảm từ mức hơn 50% - một động thái được công ty này gọi là "tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp". Sự thay đổi này khiến Ant phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể tiếp tục đăng ký chào bán cổ phần IPO.
Bảng chứng khoán ở Thượng Hải đòi hỏi những công ty có sự thay đổi quyền lãnh đạo phải chờ ba năm trước khi bắt đầu bán cổ phiếu. Khoảng thời gian này là 2 năm cho thị trường STAR, vốn tương tự như Nasdaq cho Trung Quốc, và 1 năm cho thị trường giao dịch ở Hồng Kông.
Bài 2: "Cuộc đối đầu" không thể tránh khỏi