Các tỷ phú Trung Quốc có thể thở phào nhẹ nhõm trong 2023? Bài 2: Cuộc đối đầu không thể tránh khỏi
(DNTO) - Chính quyền Trung Quốc muốn nắm giữ quyền lèo lái nền kinh tế, trong khi các tập đoàn kinh doanh tư nhân vẫn còn hoạt động trong những ngành vốn độc quyền cho các công ty chính phủ. Cuộc đối đầu giữa hai bên là không thể tránh khỏi.
Bài 1: Chính sách ưu đãi kinh tế đang mờ dần
Victor Shih, chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học California, San Diego, nhận định: “Đối với các công ty công nghệ, những sự nới lỏng kiểm soát của chính quyền Trung Quốc là rất đáng hoan nghênh. Nhưng họ sẽ vẫn vận hành trong các ngành vốn nằm dưới sự điều khiển của chính phủ, ví dụ như ngành tạo nội dung hay chi trả.
Vì thế, một cuộc đối đầu giữa các công ty công nghệ và đảng cầm quyền là không thể tránh khỏi”.
"Tạm cứu" bất động sản
Trong ngành bất động sản, nhiều gánh nặng từ chính quyền Trung Quốc đang dần được trút bỏ. Các quan chức cầm quyền dự tính nới lỏng chính sách “Ba vạch đỏ”, giới hạn mức vay và từng gây ra cuộc sụp đổ nối đuôi của nhiều công ty trong ngành.
Cùng với đó là một loạt các phương thức hỗ trợ vốn, bao gồm mở rộng thời gian chi trả nợ và cam kết hỗ trợ hàng trăm tỷ đô la tín dụng mới. Nhờ đó, cổ phiếu của các công ty bất động sản tăng cao, giúp nhà sáng lập Longfor, Wu Yajun, thêm 282 triệu đô la vào tổng giá trị tài sản, trong khi Chủ tịch Country Garden, Yang Huiyan, giàu hơn 465 triệu đô la tính từ đầu năm nay.
Thế nhưng, các chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng sự nhẹ nhõm của các đại tỷ phú bất động sản ở Trung Quốc sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. “Giá nhà đất sẽ đi lên, nhưng nợ nần cũng chồng chất”, Victor Shih nói. “Đến một lúc nào đó, chính quyền Trung Quốc sẽ phải quay ngược đường lối”.
Nhưng ít ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng những chuyển hướng hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này đi lên. Trong tháng 12, chuyên gia tài chính thuộc Hãng Nomura, Lu Ting, đã thay đổi dự đoán mức tăng tưởng GDP của Trung Quốc trong 2023 lên 4,8%, tăng từ mức 4%.
Ông diễn giải, mức tăng này đến từ cuộc mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với hỗ trợ cho ngành bất động sản, và sự cả nể của các quan chức đối với doanh nhân.
Niềm tin lung lay
Các doanh nhân Trung Quốc gần đây đã cùng nhau lên tiếng về việc đặt niềm tin vào viễn cảnh của nền kinh tế. Trong đó bao gồm các lãnh đạo nổi tiếng như Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang, tỷ phú và Chủ tịch Wahaha Group, Zong Qinghou, và nhà sáng lập Zhejiang Chint Electrics, Nan Cunhui. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình trung ương CCTV vào tuần trước, cho biết họ rất khả quan trước triển vọng nền kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục sức phát triển vũ bão như trước.
Ở phía chính quyền, trong một cuộc họp chống tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình lại cảnh báo đối với “bất kỳ sự xâm nhập nào của tư sản vào chính trị làm suy yếu hệ sinh thái chính trị hoặc môi trường phát triển kinh tế”, nhấn mạnh ý định khống chế sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân.
Xia Ming, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học New York, cho biết chính quyền Trung Quốc hiện tại vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước để lèo lái nền kinh tế, khiến đầu tư tư nhân trở nên kém hấp dẫn hơn.
Niềm tin từ các doanh nghiệp vẫn chưa được hồi phục. “Trong vòng hai năm qua, đảng cầm quyền Trung Quốc đã hoàn toàn kiểm soát phân khúc kinh doanh tư nhân”, Giáo sư Chen nhận định. “Không ai dám từ chối những đòi hỏi từ chính phủ, nhưng kinh doanh tư nhân không còn tin tưởng vào chính quyền nữa”.