Gần 70% doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng, lao động mất việc, ồ ạt rút bảo hiểm xã hội
(DNTO) - Khảo sát nhanh của VCCI tại phía Nam cho thấy chỉ có 9% doanh nghiệp tăng đơn hàng; còn có tới 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Nhiều lao động đã nghỉ Tết từ vài tháng nay.
Người lao động rút bảo hiểm là khó tránh khỏi
Thông tin trên được đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại hội thảo chuyên đề về phát triển thị trường lao động, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, ngày 17/12.
Cụ thể, khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua cho thấy, chỉ có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
Còn theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay, đã có 1.242 doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ tháng 9 đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử bị cắt giảm đơn hàng, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng, trong khi các năm trước là thời điểm họ lên kế hoạch tăng ca. "Đây là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm”, ông Hiểu nói.
Đặc biệt, trong số lao động bị giảm việc, có đến 36% người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và có khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
“Bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không còn tích lũy sau 2 năm Covid-19, nay lại gặp cú sốc giảm việc, mất việc nên rất dễ bị đánh gục. Hình ảnh hàng đoàn người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong suốt năm 2022 và đang “bùng” trở lại ở khu vực phía Nam là hệ lụy khó tránh khỏi khi họ quá khó khăn, không còn nơi bấu víu”, ông Ngọc Duy Hiểu trăn trở.
Nhiều tác động đến kinh tế, xã hội
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.
Đối với nền kinh tế, đó là sự giảm sút về năng suất lao động, giảm sút về tổng sản phẩm, về giá trị kinh tế và kéo theo là ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022, thậm chí sang những tháng tiếp theo của năm 2023, tác động tới cân đối lớn của cả nền kinh tế.
Đối với thị trường lao động, việc người lao động mất việc sẽ thúc đẩy dòng chuyển dịch lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức diễn ra mạnh hơn và khó kiểm soát hơn; giảm không nhỏ lực lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm, giảm nguồn cung của thị trường trong ngắn hạn và rất khó để bù đắp.
Đối với doanh nghiệp, việc cắt giảm đơn hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Việc mất lao động hiện tại khiến doanh nghiệp sẽ tốn kém và khó tuyển dụng để có lực lượng lao động có tay nghề như trước.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.
Mặt khác, cần tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động. Đồng thời cần mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.