Doanh nghiệp ô tô kỳ vọng doanh thu phục hồi từ động lực kích cầu
(DNTO) - Doanh nghiệp phân phối ô tô ghi nhận sự tăng trưởng "giật lùi" 6 tháng đầu năm 2024 khi doanh số sụt giảm, kỳ vọng sẽ bẻ lái trở lại trong nửa cuối năm nhờ chính sách hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ người mua, và các giải pháp kích cầu mạnh mẽ sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8.
Lợi nhuận 'cài số lùi'
Kể từ đầu năm 2024, chính sách giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định 41 chính thức hết hiệu lực, trong khi sức mua của thị trường chưa được cải thiện là những nguyên nhân khiến thị trường ô tô Việt Nam những tháng qua doanh số sụt giảm, chưa thể phục hồi sớm như mong đợi.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô toàn thị trường (bao gồm số liệu bán lẻ thực tế của các thành viên VAMA và số liệu nhập khẩu xe nguyên chiếc, của các đơn vị không phải là thành viên VAMA) tính đến hết tháng 5/2024 đạt 82.515 xe, giảm 11% so với 2023. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 14%, xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28% so với năm 2023...
Ước tính tồn kho ô tô đến nay khoảng trên 70.000 xe các loại, trong đó chủ yếu là xe sản xuất năm 2023. Trước tình hình kinh doanh ảm đạm trong những tháng qua, hàng loạt mẫu xe đã được các hãng giảm giá và liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu, song không khí buồn tẻ vẫn đang bao trùm toàn thị trường khi hầu hết doanh nghiệp ngành này ghi nhận tình trạng lao dốc về doanh số và lợi nhuận.
Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico), sở hữu hơn 50 đại lý bán ô tô trên cả nước, có doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 8,2 tỷ đồng, giảm gần 44% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX), báo cáo tài chính hợp nhất quý I cho thấy, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Hay Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) đạt 14,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I giảm 85% so với cùng kỳ.
Đại diện các doanh nghiệp cho hay, hơn một năm kinh tế khó khăn, đã khiến quy mô thị trường ô tô “giật lùi” 3 năm liền, hiện chỉ còn tương đương với năm 2020. Kỳ vọng đạt ngưỡng 800.000 xe vào thời điểm 2025 khó thành hiện thực.
Báo cáo trước đó của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, thị trường vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm 2024 bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn cùng với việc lãi suất thả nổi ngân hàng vẫn cao khiến nhu cầu mua xe sụt giảm. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và thị trường chứng khoán ít có các nhịp tăng mà chủ yếu đi ngang cũng gián tiếp tác động đến sức cầu tiêu dùng ô tô.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp kích cầu là cần thiết lúc này, đơn cử như chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng được Chính phủ ban hành mới đây, và đặc biệt ngày 26/6, Bộ Tài chính vừa có công văn đề xuất việc tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay cho đến hết 31/1/2025, kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho thị trường ô tô.
Bài toán hỗ trợ
Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua ô tô dưới 10 chỗ lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng chi phí lăn bánh. Đây sẽ là lần thứ 4 kể từ năm 2020, chính sách này được đề xuất áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động. Do đó, việc được giảm thuế trước bạ người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.
"Chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ô tô đang có xu hướng sụt giảm mạnh", ông Quyền nói.
Rõ ràng, chính sách giảm lệ phí trước bạ được triển khai tới đây sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua được điểm hoà vốn trong năm nay, bởi nhìn lại 3 lần giảm lệ phí trước đó đều giúp tăng số lượng xe tiêu thụ tăng lên.
Nêu quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp ô tô chính là sản lượng lớn. Do vậy, chính sách hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ người mua, và các giải pháp kích cầu mạnh mẽ, ổn định từ các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo sức cạnh tranh lâu dài cho xe trong nước
Song, kích cầu thị trường ô tô, không chỉ trông chờ vào giảm thuế, phí. Theo Bộ Tài chính, bức tranh tổng thể vẫn còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ mới đạt trung bình 12-20% (thấp rất nhiều so với mục tiêu năm 2020 đạt 30-40%), tỷ lệ xuất khẩu mới đạt 1.000 xe so với mục tiêu năm 2020 là 5.000 xe.
Trong bối cảnh lộ trình giảm thuế nhập khẩu được thực hiện khi Việt Nam tham gia các cam kết tại các hiệp định tự do thương mại, sức ép cạnh tranh đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng ngày càng gay gắt. Giới chuyên môn nhận định, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ không còn cơ hội tăng trưởng cao trong những năm tới.
Bài toán đặt ra, phải kéo giá xuống thấp. Hiện ô tô dưới 10 chỗ ngồi là sản phẩm chịu nhiều thuế phí nhất, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí cấp biển số… Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, khiến quy mô thị trường ô tô nhỏ bé, ngành ô tô thường xuyên gặp khó khăn.