Do đâu chứng khoán giảm sốc?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên giảm "sốc" hơn 55 điểm, sắc xanh dương phủ trùm thị trường khi có tới 265 mã giảm sàn và gần 600 mã giảm điểm.
Chỉ số VN-Index đã nhanh chóng đánh mất ngưỡng quan trọng 1.200 điểm chỉ trong vài tiếng của phiên chiều. Áp lực bán dâng cao, đẩy thanh khoản cao kỷ lục với hơn 42 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn khi có hơn 2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh toàn thị trường, một kỷ lục mới trên sàn chứng khoán.
VN-Index lao dốc mạnh và không có một lực cản nào đỡ nổi. Kết phiên chỉ số này chỉ còn 1.177 điểm, quay lại thời điểm cuối tháng 7. Mọi thành quả nỗ lực vượt ngưỡng 1.200 điểm của thị trường chứng khoán đã không còn chỉ sau một phiên.
Nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất khi trung bình toàn nhóm mất tới gần 7%, tiếp đó là nhóm bất động sản giảm 6,3%, nhóm bán lẻ giảm 6,2%... và không một nhóm nào ghi nhận tăng so với phiên hôm qua.
Nhiều yếu tố xấu bủa vây
Nhìn nhận về tình hình chung, một điều khá rõ nét là quá nhiều biến động đã xuất hiện cùng lúc trong phiên giao dịch hôm nay.
Đầu tiên phải kể đến câu chuyện của Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào ngày 17/8. Đây là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc với các khoản vay khổng lồ lên tới 2,4 ngàn tỉ nhân dân tệ (340 tỉ đô la Mỹ) tính đến cuối năm ngoái, khoảng 2% GDP Trung Quốc.
Evergrande từng gây nhiều lo ngại khi vỡ nợ trái phiếu do không thể thanh toán 1,2 tỉ đô la lãi trái phiếu, không thể hoàn thành các dự án nhà ở mới và gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Sự việc của Evergrande có thể cũng đã dấy lên nhiều lo ngại về những tác động có thể xảy ra với thị trường bất động sản trong nước và thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, ngày 16/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7, theo đó Fed cho thấy mục tiêu vẫn là ưu tiên chống lạm phát hơn là tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này có nghĩa Fed hoàn toàn có khả năng tăng lãi suất thêm nữa và sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Đáng lưu ý, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,26%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Điều này cũng đang cho thấy những lo lắng về thời gian kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ gây áp lực lên trái phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng đang gây tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư như giá dầu cao, việc thắt chặt xuất khẩu gạo của nhiều nước đang cho thấy áp lực từ vấn đề an ninh lương thực. Trong nước, tỷ giá biến động nhẹ trước việc đồng đô la tăng lên cũng gây bất an cho nhà đầu tư.
Có thể nói, với quá nhiều thông tin dồn dập không mấy tích cực, trạng thái bán tháo, muốn bán cổ phiếu bằng mọi giá của nhà đầu tư khá rõ nét.
Với xu hướng khá tiêu cực hiện nay, theo VCBS, nhà đầu tư "nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro". Tuy nhiên, nhà đầu tư nên "canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng" chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá.
Những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua sẽ là cơ hội giải ngân chờ đợi khi thị trường ổn định trở lại.