Điều khó tin khi giảm phí trước bạ và gánh nặng người dân mua ô tô
(DNTO) - Công nghiệp ô tô vốn giữ vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn cho công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng mãi vẫn trong tình trạng yếu kém. Thuế, phí cao ngất ngưởng đã bót nghẹt khiến ngành sản xuất này không thể phát triển.
Cái kết bất ngờ
Báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của 11 DN thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cộng với Công ty TC Motor và Công ty VinFast, đạt gần 300.000 xe, tăng 14.000 xe so với 2019. Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, doanh số bán ô tô trong nước vẫn tăng nhờ được giảm 50% lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm 2020.
Con số trên khẳng định việc giảm lệ phí trước bạ không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn tăng số thu thuế, phí thu được nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có hai “điểm nghẽn" lớn, đó là quy mô thị trường nhỏ và giá xe sản xuất trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu. Giới chuyên môn cho rằng, cả hai “điểm nghẽn” này đều có nguyên nhân từ thuế, phí cao.
Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên giấc mơ sở hữu ô tô cá nhân luôn xa tầm với. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước mới có 5,7% số hộ gia đình có ô tô riêng. Ít người có khả năng mua xe dẫn đến doanh số bán của các mẫu xe đều thấp, quy mô thị trường ô tô vì thế rất nhỏ bé, năm 2020 đạt hơn 400.000 xe các loại.
Theo các doanh nghiệp, một mẫu xe phải đạt được doanh số bán từ 50.000 chiếc/năm trở lên, mới khả thi để đầu tư sản xuất linh kiện, phát triển chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành.
Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ có 1 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt doanh số bán cao nhất là 33.000 chiếc/năm vào năm 2020. Còn lại, đa số các mẫu xe đều có doanh số bán thấp. Doanh số bán thấp, khiến giá thành xe sản xuất lắp ráp ở Việt Nam cao hơn từ 10-20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Xa vời giấc mơ
Đối với nhiều quốc gia, công nghiệp ô tô là ngành có đóng góp lớn cho GDP hàng năm, tạo ra hàng triệu việc làm và có sức lan tỏa lớn. Công nghiệp ô tô được coi là trụ cột của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo từ lâu đã chứng minh được tầm quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, là “chìa khóa” đem lại sự thịnh vượng.
Việt Nam với một nền kinh tế quy mô 100 triệu dân, muốn độc lập, tự chủ, thịnh vượng, tất yếu phải có một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên, hiện tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo mới chiếm 16,58% trong GDP vào năm 2020, thấp khá xa so với tiêu chí của nước công nghiệp.
Không những thế, cơ cấu của công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế, như gia công, lắp ráp còn lớn; công nghiệp hỗ trợ được đề cập từ lâu nhưng phát triển rất chậm... Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới hơn 50% giá trị sản xuất, khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ.
Với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài (khu vực FDI), khi những lợi thế như chi phí lao động thấp, ưu đãi thuế không còn, các DN FDI dịch chuyển sang các nước khác sẽ dẫn đến quá trình “giải trừ công nghiệp”.
Nhiều lo ngại cho thấy, Việt Nam có khả năng rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp”. Một quốc gia mắc “bẫy giá trị gia tăng thấp” là khi chỉ thu hút được vốn FDI, từ những DN không có ý định hình thành các mối liên kết với nền kinh tế trong nước, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa và hoạt động với mục tiêu ngắn hạn. Cùng với đó là đội ngũ các DN trong nước yếu, không trưởng thành, không trở thành trụ cột cho nền kinh tế.
Tức là, “bẫy giá trị gia tăng thấp” xảy ra khi một quốc gia không xây dựng được nền công nghiệp trong nước vững mạnh.
Nhận thấy điều này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đặt ra mục tiêu: phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức trên 25%. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp” và “bẫy thu nhập trung bình”, vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Tuy nhiên, công nghiệp ô tô, vốn giữ vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn cho công nghiệp chế biến, chế tạo thì mãi vẫn trong tình trạng yếu kém. Thuế, phí cao ngất ngưởng đã bót nghẹt ngành sản xuất này, không cho phát triển.