Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lo xuất khẩu cuối năm
(DNTO) - Không ít doanh nghiệp lo tình trạng đứt gãy sản xuất, cung không đáp ứng nổi cầu vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại hàng loạt địa phương trên cả nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu có phần chững lại. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 7 tháng qua, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 19 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020, vượt qua cả con số của cùng kỳ năm 2019. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, tổng cầu trên thị trường thế giới đã phục hồi tích cực. Cầu tăng làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp (DN) dệt may sau 1 năm thiếu hụt nặng nề.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ngành gỗ tiếp tục là ngành hàng đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm đến nay khi trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều đạt ở mức cao, điển hình là tại thị trường Mỹ.
“Từ nay đến cuối năm, DN ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết. Các FTA có hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng tốt”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.
Từ nay đến cuối năm, đơn hàng của nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng như dệt may, gỗ, thuỷ sản… khá khả quan. Có thể thấy, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm phục hồi cộng với việc thực thi các FTA đã và đang mở ra không ít cơ hội tăng tốc cho hàng Việt từ nay đến cuối năm cũng như các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, không ít DN lại đang thấp thỏm âu lo tình trạng đứt gãy sản xuất, cung không đáp ứng nổi cầu vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại hàng loạt địa phương trên cả nước.
Với ngành gỗ, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, đà tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và lan rộng ngay cả thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu chính. Điều này khiến các DN ngành gỗ đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.
Ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang) chia sẻ, Công ty hiện đang áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phi tăng, tâm lý công nhân hoang mang. “Kiến nghị sớm cho các công nhân trong các nhà máy chế biến tiếp cận vaccine để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Nghiệp nói.
Một lo lắng khác của Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 Thân Đức Việt từ nay đến cuối năm là tình trạng thiếu hụt container cho cả hai chiều xuất và nhập khẩu, cũng như các DN vận tải đang đòi tăng giá cước lên 20%, trong khi May 10 vẫn phải chi trả những chi phí khác như xét nghiệm cho lái xe… là khó khăn không nhỏ.
“Nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của DN. Nếu DN giao hàng chậm sẽ bị phạt tiến độ, đó là chưa kể đến những chuyến hàng DN không kịp giao bằng đường thủy, phải đi bằng đường hàng không với chi phí cao gấp nhiều lần…”, ông Thân Đức Việt quan ngại.
Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu hết tháng 8/2021 tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam được kiểm soát, cho các doanh nghiệp (DN) trở lại làm việc ở trạng thái bình thường, con số xuất khẩu cả năm nay đạt khoảng 32-33 tỷ USD.
“Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Giang cho hay.
Bộ Công Thương dự báo, chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu./.