Dĩ bất biến ứng vạn biến trong hội nhập quốc tế
(DNTO) - Những nấc thang phát triển của thế giới là những bước tiến hóa của loài người theo quy luật khách quan, nhưng từng bước đi trong sự phát triển đó lại là những dích dắc không dễ đoán định.
Thế giới đầy biến động. Bức tranh kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của thế giới thật nhiều sắc thái với độ đậm nhạt và gam màu sáng, tối biến đổi khôn lường. Có người nhìn thế giới hiện nay thật cao sang, tươi đẹp. Nhưng cũng có một góc nhìn khác lại thấy một thế giới thật hỗn tạp, mất trật tự, luôn thấy tiếng bom rơi đạn nổ; khủng bố quốc tế chưa ngăn chặn được, không khí thù hận vẫn đậm đặc ở nhiều nơi. Đã vậy, thế giới còn phải đối phó với thiên tai, bệnh tật, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Tất cả những điều đó đặt ra cho mỗi nước phải có cách nhìn nhận, ứng xử hết sức khoa học, khôn ngoan, hợp lẽ, phải chăng, sao có lợi nhất cho dân tộc mình, đất nước mình. Những trọng trách như vậy trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã được Đảng ta nhận thức rõ, xây dựng chính sách, chỉ đạo thực hiện tốt và đạt được những thành tựu to lớn.
Từ những thành công của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta trên những chặng đường đã qua, chúng ta càng nhớ đến Bác Hồ, càng thấm đậm lời giáo huấn trở thành kim chỉ nam đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế một cách nhuần nhuyễn, bài bản và rất hiệu quả. Có thể nhận rõ điều đó qua một số khía cạnh sau:
Xác định cái “bất biến”
Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu tối thượng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế là lợi ích quốc gia - dân tộc; mục tiêu phát triển được đặt lên hàng đầu. Thực hiện công tác đối ngoại để phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Phải tăng cường nội lực để bảo đảm cho công tác đối ngoại và hội nhập thành công; nắm vững những nguyên tắc và vấn đề cơ bản của thông lệ quốc tế.
Đảng ta đã chỉ rõ hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác từng bước mở rộng; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các chuẩn mực chung bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Phải giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.
Nhận rõ cái “vạn biến”
Nhận thức của Đảng ta về thời đại, về thế giới và khu vực rất rõ ràng và sâu sắc. Trong khi khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận rõ tính chất phức tạp, quanh co và rất lâu dài của quá trình chuyển biến xã hội nên đã hướng vào đánh giá trực tiếp những động thái, đặc trưng, xu hướng và tính chất trong giai đoạn hiện nay của thời đại. Về môi trường quốc tế, Đảng ta đã nhận rõ môi trường quốc tế là các nước, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Đảng ta nhận định cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn. Các nước lớn thay đổi chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến tình hình thế giới và các khu vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội mới và cả những thách thức mới trên con đường phát triển.
Trong bối cảnh đó, tập hợp lực lượng nhằm liên kết, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nước trên thế giới và khu vực diễn ra phức tạp. Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Kinh tế thế giới có chiều hướng phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.
Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn,… giữa các nước ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia,… tiếp tục diễn biến phức tạp.
Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á có vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị quan trọng; là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng tồn tại nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực.
“Ứng” xử và kết quả
Qua hơn 30 năm đổi mới, trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, tùy theo tình hình cụ thể, Đảng ta đã có cách xử lý rất linh hoạt, thực tế, đưa ra những đối sách thích hợp.
Cách ứng phó trước những biến đổi của thời cuộc đã thể hiện rõ trong định hướng lớn đối với chính sách đối ngoại: Từ định hướng coi "đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại", từng bước chuyển sang đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, là “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.
Về hợp tác và đấu tranh, từ quan niệm về địch, ta, chuyển sang cách nhìn nhận có tính biện chứng về đối tác và đối tượng trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng hoàn cảnh cụ thể. Định hướng thực tế hơn quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè truyền thống và quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu. Từ “phá thế bị bao vây, cấm vận” tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, và tiếp theo là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện.
Thực hiện đúng chính sách, phương châm và định hướng lớn trong công tác đối ngoại của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành quả quan trọng. Đã mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; đã phá được thế bị bao vây, cấm vận thời kỳ đầu đổi mới; bình thường hóa, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với các nước; tạo lập và giữ được môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố thuận lợi của môi trường quốc tế để phát triển; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị; tiếp tục từng bước đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định hơn. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước.
Nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới, phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng ASEAN. Cùng với việc tăng cường ngoại giao nhà nước, quan hệ đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân được mở rộng, đã nâng cao vị thế, uy tín của nước ta tại các diễn đàn đa phương.
Việc mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế vừa qua đã góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển đất nước. Đó là sự gia tăng về thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến; khai thác hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết, đặc biệt là các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương. Hiệu quả các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế đã góp phần thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Rõ ràng là, học tập, vận dụng sự chỉ giáo “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc về tình hình và xu thế vận động của thế giới đương đại, để xây dựng đường lối và chính sách đối ngoại đúng đắn. Từ đó, công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước được đẩy mạnh, thu được những thành quả hết sức to lớn, làm tăng vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta. Đó là thành tố quan trọng và là động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới có bước phát triển vươn tầm, hướng tới việc thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.