Đại biểu Quốc hội: Nên cho phép doanh nghiệp đàm phán đưa vaccine về nước
(DNTO) - Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại với dân số gần 100 triệu người, sẽ cần lượng vaccine rất lớn, nhưng với tình hình hiện nay không biết bao giờ mới đủ vaccine cho miễn dịch cộng đồng.
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/7, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về kế hoạch tiêm vaccine để đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, an tâm phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động doanh nghiệp tham gia đàm phán đưa vaccine về nước
Đại biểu Nguyễn Văn Quân, đoàn Hậu Giang, bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên vẫn là chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, bởi “giặc” cứ loanh quanh bên ta thì làm sao phát triển kinh tế được. Đại biểu cũng mong muốn sớm triển khai tiêm vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Đại biểu Lê Kim Toàn, đoàn Bình Định, cho rằng để có thể tiêm vaccine toàn dân thì phải chủ động hơn nữa trong tạo nguồn vaccine.
“Ta đã chậm một nhịp trong tạo nguồn vaccine, mới được 4 triệu, tỷ lệ tiêm thấp. Phải huy động các nguồn lực. Trước đây đưa ra thông điệp 5K và quyết tâm trong phòng chống dịch. Nhưng quyết tâm là một phần, phải đi cùng với khoa học công nghệ mới hiệu quả”, đại biểu Lê Kim Toàn nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre cho rằng, với dân số gần 100 triệu người, sẽ cần lượng vaccine rất lớn, nhưng với tình hình hiện nay, phải cần nhiều thời gian cho miễn dịch cộng đồng.
Theo đại biểu Sơn, Chính phủ cần có giải pháp để huy động các doanh nghiệp tham gia bằng cách cấp phép, kiểm định chất lượng, cho giá tối đa để doanh nghiệp trực tiếp đàm phán đưa vaccine về càng nhanh càng tốt. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các địa phương đàm phán, tiếp cận vaccine.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, với tình hình khẩn cấp như hiện nay thì các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ có cơ chế đặc biệt. Nếu đấu thầu thì các tỉnh không thể làm được. Như Bến Tre, hơn 10 ngày đã có hơn 350 ca mắc Covid-19, nếu áp dụng đầy đủ quy định thì mua được trang thiết bị y tế mất ít nhất 2-3 tháng.
“Với tình hình dịch hiện nay không biết bao giờ mới chấm dứt thì cần những giải pháp hết sức đặc biệt, làm sao phải đặt vaccine lên hàng đầu”, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị.
Đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước
Ghi nhận chiến lược phòng chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vaccine rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TPHCM cũng đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine.
“Đến nay, hầu hết vaccine có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch, nhưng với chủng Delta, thì đó có còn là biện pháp căn bản hay không”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong. Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì “nhận tiền rủi ro lắm, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân. Nếu cứ áp dụng quy định bình thường trong tình trạng khẩn cấp thì không ổn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho rằng, có vaccine là tốt nhưng vẫn cần cố gắng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính. Nếu các nước triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn.