Cuộc đua giao thức ăn trực tuyến: Khốc liệt
(DNTO) - Thị trường thương mại điện tử về thức ăn ngày càng mở rộng tại Việt Nam, từ hàng quán nhỏ đến các nhà hàng sang trọng đều đang chen chân vào thị trường này. Một trong các yếu tố đóng góp vào sự bùng nổ này trong những năm gần đây chính là các ứng dụng công nghệ logistics, giao hàng.
Ngoài Top 5 thương hiệu ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất tại Việt Nam có GrabFood, NowFood, Baemin, Loship, Gofood còn có hàng loạt loại hình giao hàng khác của các cửa hàng tự điều phối. Đặc biệt, cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần giữa các ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn khi Baemin đang tăng tốc bám sát “kẻ dẫn đầu” Grabfood.
Khách hàng hưởng lợi
Baemin xuất phát điểm khá muộn khi đến năm 2019 mới có mặt tại Việt Nam, nhưng thương hiệu đến từ Hàn Quốc nhanh chóng bứt phá và chen chân vào top 3 thị phần của ngành giao thức ăn trực tuyến. Thành công chóng vánh của Baemin đến từ sự hiện đại và hấp dẫn trong công tác truyền thông, Baemin dẫn đầu thị trường với các nội dung "Khao khủng, Khuyến mãi, Freeship", và chiến dịch truyền thông đặc sắc, với Trấn Thành là gương mặt đại diện, bộ nhận diện thương hiệu “mèo béo” bắt mắt và loạt content marketing hợp với giới trẻ.
Trong khi đó, các thương hiệu khác mà đại diện là NowFood và GrabFood dẫn đầu về thị phần thảo luận dịch vụ giao hàng, đặc biệt là các đánh giá về sự chuyên nghiệp của shipper, tốc độ giao hàng mang tính tích cực. GoFood có tỷ trọng thảo luận cao về trải nghiệm app khi thương hiệu này mới thay đổi app; đứng sau đó là Loship với đa dạng dịch vụ được tích hợp như Lo-supply, Lozat, Lomec.
Trong khi các “cơn mưa” khuyến mãi, giảm giá chỉ đủ sức giữ chân khách hàng trong nay mai, thì tốc độ dường như đang là chiến lược nòng cốt níu kéo sự trung thành của người dùng về lâu dài.
So về số lượng, khó thương hiệu nào có thể cạnh tranh với Grab. Theo thông tin mới nhất mà hãng cập nhật, hiện Grab có lực lượng đối tác tài xế lên đến 175.000, trong đó số lượng hai bánh chiếm phần lớn. Với cơ chế “shipper” đến mua món trực tiếp, cùng lực lượng đối tác tài xế “hùng hậu” nói trên, luôn có “shipper áo xanh” nhận đơn và giao món hầu như ngay lập tức cho khách hàng.
Shipper ca thán
Lợi cho khách hàng, nhưng sự ca thán những năm nay của shipper là hiện hữu. Những người giao hàng cho biết, khi một ứng dụng mới ra mắt đều chấp nhận vung tiền, chịu lỗ để cân bằng giữa lợi ích cho khách hàng và quyền lợi cho người giao hàng. Các chương trình khuyến mãi dồn dập, liên tiếp được tung ra nhưng tài xế vẫn nhận được đủ phần thu nhập, thậm chí là thưởng nếu hoàn thành chỉ tiêu.
"Nhưng hỗ trợ được thời gian đầu thôi, khoảng vài tháng tới một năm là đâu lại vào đấy", một shipper công nghệ đã từng làm qua 3 ứng dụng chua chát nói. "Sau khi đã có tên tuổi, được khách hàng biết đến nhiều, các công ty giao hàng bắt đầu giảm dần khuyến mãi, giảm luôn cả quyền lợi của shipper". Những người giao hàng cho biết, đa số các thương hiệu giao thức ăn sau khi có được thị phần thì đều tăng chiết khấu mà shipper phải trả cho công ty, đi cùng với đó là các chính sách nhận thưởng và chỉ tiêu ngày càng khó khăn hơn, không nhiều người nhận được các khoản thưởng doanh số này.
Thậm chí có ứng dụng gần đây còn có chính sách quy định shipper phải thực hiện tối thiểu 29 đơn hàng mỗi ngày trong một tháng để được nhận thưởng. Không ít tài xế bất bình với các chính sách này, và minh chứng là không ít lần những người giao hàng lại tụ tập phản đối chính sách của công ty.
Một nghiên cứu gần đây nhất do Công ty Nghiên cứu Thị trường GCOMM thực hiện cho thấy, 65% người tiêu dùng đồng ý tốc độ giao thức ăn là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn dịch vụ giao nhận thức ăn. Một điều khó có thể phủ nhận rằng, tốc độ đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến. Bởi, món ăn có giữ trọn hương vị hay không, trải nghiệm ẩm thực có đúng như mong đợi hay không đều phụ thuộc phần lớn vào yếu tố "nhanh".
Tuy nhiên, sự đòi hỏi nhanh chóng từ cả 2 phía nhà cung cấp và người tiêu dùng lại là áp lực đối với những người giao hàng
Dễ dàng thấy rằng, chính khách hàng chứ không phải ai khác là người được lợi lớn nhất từ cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Với những lợi thế riêng, chiến lược riêng, các dịch vụ luôn không ngừng nỗ lực cải tiến dịch vụ, đặc biệt là tốc độ, nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.