Cửa hàng xăng dầu phấn khởi khi chiết khấu xăng dầu quay trở lại mức trên 1.000 đồng/lít
(DNTO) - Sau nhiều kỳ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu “khóc ròng” vì mức chiết khấu liên tục sụt giảm, thậm chí về 0, thì đến hiện nay, mức chiết khấu đã quay trở lại mức trên 1.000 đồng/lít.
“Bán lỗ quen rồi, nay chiết khấu 1.000 đồng/lít mà thấy lạ lạ, chưa quen”, chị Đặng Hoàng Trang, chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP. Ninh Bình tếu táo nói về mức chiết khấu xăng dầu tăng trở lại sau nhiều kì điều hành bị cắt giảm xuống mức 200-300 đồng/lít, thậm chí có lúc về 0.
Cũng theo nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, sau kì điều hành 1/4, họ liên tục nhận được thông báo từ các đầu mối, với mức chiết khấu đồng loạt quay trở lại mức cao.
Đơn cử như cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Bình Thành, Đồng Tháp cho biết, họ nhận được thông tin chiết khấu từ tổng kho 1.300 đồng/lít với xăng Ron95, 1.400 đồng/lít với xăng E5RON92 và 1.900 đồng/lít dầu. Tại các kho trung chuyển ở Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng…, mức chiết khấu là 1.150 đồng/lít xăng RON95, 1.250 đồng/lít E5RON92 và 1.750 đồng/lít dầu.
Theo Bộ Công thương, ở kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm từ 700-2.000 đồng/lít/kg tùy loại (trong đó xăng E5RON92 giảm 1.900 đồng/lít, xăng RON95 giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel và dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít/kg, dầu hỏa giảm 700 đồng/lít).
Tuy vậy, do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên Liên Bộ Công thương – Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG xăng dầu ở mức hợp lý để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của thế giới.
“Việc điều hành giá xăng dầu thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, Quỹ BOG của Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường trong nước khi sản xuất xăng dầu trong nước chưa thật sự ổn định”, Bộ Công thương cho biết.
Thời gian qua, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhiều tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực phía Nam điêu đứng do ảnh hưởng từ sụt giảm nguồn cung trong nước và giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa do không thể tiếp tục “gồng lỗ” khi mức chiết khấu liên tục sụt giảm, xuống còn 200-300 đồng/lít, thậm chí là về 0 hoặc âm nếu trừ đi các chi phí vận chuyển, vận hành.
Giá xăng dầu trong nước hiện vận hành theo xu hướng thế giới và điều hành theo Nghị định 83, 95. Tuy vậy, việc giá xăng dầu tăng sốc trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp bị lỗ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm nặng.
Chính Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, nếu chiết khấu đến các cửa hàng bán lẻ bằng 0 trong khi phải bán theo giá cơ sở, giá niêm yết, là vấn đề bất hợp lý. Vì khi không có chiết khấu, các cửa hàng buộc phải viện dẫn đủ lý do để ngừng bán hàng, bởi bản chất của kinh doanh là phải đảm bảo lợi nhuận, không ai có thể liên tục chịu lỗ, đây là thực tế.
Do vậy, Bộ Công thương cho biết đã kiến nghị với Bộ Tài chính nâng mức chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức theo đúng Luật hiện hành; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho hệ thống phân phối theo đúng quy định.
Xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 với những biến động phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần một chính sách đồng bộ, dài hạn của tất cả các bộ ngành liên quan với những kịch bản cụ thể để có sự ứng phó kịp thời, nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.