Con đường nào để các em không vì nghèo mà từ bỏ giấc mơ đại học

(DNTO) - 17g ngày 20/8 là hạn cuối đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Theo thống kê của bộ này, chỉ có 616.522 /941.759 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống. Như vậy, trên 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Nhiều người cho rằng lý do chủ yếu là học phí đại học quá cao.
Trước thực trạng này, dư luận tỏ ra băn khoăn, liệu đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay nhiều hơn các năm trước là bình thường, không đáng quan ngại.
Khác với mọi năm, năm nay, khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới tự đánh giá năng lực của bản thân, nhiều em nhận thấy kết quả điểm số của mình không cao, biết sức học của mình ít cơ hội vào được các trường đại học với chuyên ngành mong muốn, hoặc có đậu vào học cũng không nổi… nên đã chuyển hướng.

Học nghề có rất nhiều ưu thế như thời gian học ngắn, được ưu đãi học phí, ra trường có việc làm ngay… Ảnh: TL
Nhưng vẫn phải đợi đến khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xét tuyển xong mới có căn cứ để khẳng định sự chuyển hướng của các em.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều chuyên gia và các khảo sát thực tế thì các bạn trẻ hiện nay ngày càng khẳng định tính độc lập tự chủ, biết lựa chọn môi trường phù hợp với năng lực, có hướng đi riêng cho mình. Nhiều em bỏ nguyện vọng xét tuyển vào đại học để chọn học ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề, xuất khẩu lao động hoặc vào những xí nghiệp phổ thông. Đồng thời, xu hướng công việc trong thời đại số hóa cũng tác động đáng kể đến cách lựa chọn, định hướng tương lai của các em.
Thêm vào đó, quan niệm về thước đo thành công trong xã hội đã thay đổi. Hầu hết phụ huynh đã chấp nhận đại học không còn là con đường duy nhất để thành công. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, trong tình hình lao động kỹ thuật tay nghề cao đang rất thiếu, học trung cấp nghề là xu hướng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Học nghề khi ra trường sẽ dễ tìm việc làm và dễ thành công hơn, bởi vì khi bước vào thị trường lao động, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực hành chuyên môn mới là yếu tố quyết định thành công. Trong khi đó, học nghề có rất nhiều ưu thế như thời gian học ngắn, được ưu đãi học phí, ra trường có việc làm ngay…
Nhận thấy bên cạnh bài toán kinh tế, quan trọng là dựa vào năng lực của bản thân, dựa vào phương án lựa chọn và định hướng tương lai khiến các em chọn rẽ sang con đường học nghề chứ cũng không hẳn là do học phí đại học quá cao.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là xu hướng tự chủ đại học đang phát triển mạnh. dẫn đến học phí tăng là một gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình có con em chuẩn bị vào đại học, chưa kể, chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Không riêng gì ở các vùng nông thôn nghèo, các gia đình có thu nhập thấp ở thành thị vừa qua đại dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng khiến họ kiệt quệ.
Vậy, đối với những thí sinh có học lực giỏi, điểm số cao, con đường nào để các em không vì nghèo mà đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học?
Thực tế đã chứng minh rất nhiều người từng xuất thân trong hoàn cảnh rất nghèo và rất khó, nhờ chăm chỉ, nỗ lực và có ý chí, các bạn đã không bỏ cuộc, đã vượt qua khó khăn tài chính, chấp nhận chịu đựng khổ cực, thiếu thốn ban đầu chẳng những tìm ra cách để tiếp tục theo học mà sau này còn trở nên những người thành công trên nhiều lĩnh vực.
Trước hết đó là khoản vay cho sinh viên của nhà nước, sau đó là việc làm thêm như bưng bê, quét dọn, rửa bát, làm bảo vệ, chạy Grab, đi dạy thêm… Nhất là trong thời đại số, sinh viên có rất nhiều điều kiện để làm thêm. Nhiều bạn sinh viên tự kiếm tiền trang trải chi phí 4 năm đại học mà không cần một đồng chu cấp của bố mẹ.

Sinh viên làm thêm để theo đuổi việc học tập. Ảnh: TL
Nhiều bạn không thể xoay sở trong năm đầu tiên nên thà lùi ước mơ của mình một năm chứ nhất quyết không từ bỏ. Quyết định dừng học một năm để làm thêm không phải việc tồi tệ, ngược lại, nó giúp các bạn lĩnh hội được thêm nhiều kỹ năng, bổ sung thêm kiến thức xã hội, kinh nghiệm cuộc sống…
Tóm lại, chọn học đại học hay chọn học nghề đó là dựa vào thực lực bản thân, vào phương án lựa chọn của mỗi người. Cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tài chính vì sự chăm chỉ, nỗ lực và có ý chí quyết tâm hoàn toàn có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn để đạt được nguyện vọng.