Đừng giao cho con sứ mệnh phải viết tiếp trang đời của bố mẹ

(DNTO) - Rạng sáng 1/4, nam sinh L.N.N.M. (SN 2006, học sinh lớp 10 THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, trú tại chung cư Văn Phú - Victoria, Hà Đông, Hà Nội), trèo qua ban công lao rồi xuống đất từ tầng 28 dẫn tới tử vong. Lý do được cho rằng do em không vượt qua nổi áp lực học tập.
Xót xa, thương tiếc, thảng thốt, bàng hoàng và lo sợ là cảm xúc và tâm trạng chung của mọi người suốt mấy ngày qua. Đây không phải là trường hợp đầu tiên hoặc hiếm gặp trong mười năm trở lại đây. Nhất là trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra việc học sinh nhảy lầu do áp lực học tập.
Mỗi lần xảy ra vụ việc thương tâm như thế, dư luận lại bàng hoàng, hoảng loạn. Các chuyên gia tâm lý, giáo dục, các phương tiện truyền thông… khẩn thiết gióng lên nhiều hồi chuông báo động cảnh tỉnh. Nhiều nhà khoa học với các công trình nghiên cứu phân tích vấn đề cặn kẽ gốc ngọn… nhưng vẫn không có hiệu quả. Câu chuyện áp lực học tập dẫn đến học sinh tự tử vẫn xảy ra, ngày một dày và phương cách được các em lựa chọn ngày một khó cứu: nhảy lầu.

Học sinh tự tử vì áp lực học tập bằng phương cách ngày một khó cứu: nhảy lầu. Ảnh: TL
Xem ra thật khó để làm thay đổi một nếp nghĩ không biết đã hình thành từ bao giờ nhưng đã ăn rất sâu, rất đậm vào nếp nghĩ của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Đó là sự kỳ vọng quá mức vào những đứa con. Họ trao cho đứa trẻ sứ mệnh sống một cuộc đời mà họ đã không có cơ hội hoặc không kịp hoàn thành. Ví như đời bố muốn thành bác sĩ mà chỉ có thể thành điều dưỡng thì giờ con phải đại học Y thẳng tiến, bất kể đứa bé mơ ước trở thành nghệ sĩ đàn piano…
Mỗi đứa con phải là một thành quả xứng đáng với sự đầu tư của phụ huynh; phải là bức tranh tuyệt tác do họ vẽ nên mặc dù không phải phụ huynh nào cũng là một họa sĩ tài ba; phải là niềm hãnh diện của dòng tộc, không thể làm nghề chân tay, thấp hèn.
Muốn được như vậy điều kiện đầu tiên là phải học. Trường phải có thương hiệu, danh giá, là trường chuyên, lớp chọn. Học thì phải thật xuất sắc, nếu con họ điểm 9 thì không ai điểm 10. Đã thi thì nhất định phải đỗ, mà phải đỗ đầu, con họ đỗ thứ nhì thì không ai đủ điểm thủ khoa.
Tôi nhớ đến trên một chuyến xe, ai cũng đòi ngồi ghế trước rồi giận hờn, trách móc bác tài. Anh tài trẻ trai lễ phép trả lời một câu rất đáng suy ngẫm: “Các bác chờ cháu học cách chế tạo ra một con xe chỉ có một hàng ghế ngang chứ không có ghế dọc thì ai cũng sẽ được ngồi ghế trước ạ!”. Tương tự, kỳ vọng của các bậc phụ huynh nếu ai cũng đạt thành thì trật tự xã hội cũng sẽ giống như chiếc xe mà anh tài xế trẻ sẽ chế tạo ra kia.
Trong thực tế, có lẽ mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh: Những đứa trẻ buổi sáng ngủ gục trên xe máy sau lưng bố, hoặc buổi chiều tan trường ăn vội cái bánh mì, cây xúc xích để kịp tới lớp học thêm. Tối muộn về nhà, tắm táp vội vội vàng vàng rồi… ngồi vào bàn học tiếp, có khi đến 2 – 3g sáng. Hoặc phải dậy từ 2 - 3g sáng để học bài vào cái giờ mà giấc ngủ với con người là rất sâu, rất ngon… như cậu học sinh lớp 10 vừa hóa mây trời kia.
Mạng xã hội cũng là một phương tiện gây áp lực học tập các em, nó khiến nhiều phụ huynh “nóng mặt” trút những lời so bì, chì chiết với con trẻ khi chứng kiến những status khoe điểm, khoe bằng khen, khoe hình ảnh con tốt nghiệp cử nhân thạc sĩ, du học nước nọ, nước kia hay những lời tâng bốc có khi quá sự thật về con mình của các phụ huynh khác.
Bắt con học đá banh, bơi lội, trượt patin, học đàn, học vẽ, học dance, tập aerobic… chỉ để quay clip “cúng phây” khoe đẳng cấp. Và để cha mẹ mình có cái mà khoe với thiên hạ, các em đã phải gồng mình lên, khi không gồng nổi nữa thì các em “phải trả giá” bằng sinh mệnh của mình. Thạc sĩ Nguyễn Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) gọi đó là “những cái chết trong kỳ vọng của bố mẹ”.
Trở lại trường hợp của em M. Cho dù không nên làm cho người ở lại đau lòng nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận “Nó chẳng phải là hành động bộc phát lúc nóng giận mà là việc này con đã nghĩ đến từ rất lâu…” - M. viết trong tâm thư như thế. Còn lại câu chuyện như thế nào thuộc về “đèn nhà ai nấy rạng”.

Hãy đừng giao cho con sứ mệnh phải viết tiếp trang đời của bố mẹ. Ảnh: TL
Nhưng một cuộc ra đi “đã nghĩ đến từ rất lâu” chứ không “phải là hành động bộc phát lúc nóng giận” trong trường hợp này thật sự làm cho chúng ta rất lo lắng. Đây là lời cảnh tỉnh có giá trị to lớn, một bài học mà nhất định tất cả phụ huynh phải học thuộc để đừng xảy xa bất kỳ trường hợp thương tâm nào nữa.
Cũng không thể không kể đến việc chạy theo thành tích của nhà trường, của ngành giáo dục, việc chuộng bằng cấp hơn khả năng thực tế của các nhà tuyển dụng lao động. Nhưng không vì thế mà bố mẹ đặt lên vai những đứa con bé bỏng của mình gánh nặng mà chúng phải oằn lưng để vác. Đó là núm ruột của mình, chúng hay dở, tốt xấu, tài ba hay kém cỏi cũng là con mình, cần được thương yêu và thấu hiểu.
Rồi chúng ta sẽ già, sẽ chết, chúng ta không thể đồng hành mãi với các con trên cuộc hành trình trăm năm của một đời người. Hãy để các con được sống cuộc đời của chúng. Đừng bắt con có sứ mệnh phải viết tiếp trang đời của bố mẹ.