Cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ Việt - Mỹ?
(DNTO) - Thép, thủy sản, bất động sản công nghiệp, dệt may, cảng biển sẽ là những ngành hưởng lợi từ mối quan hệ Việt - Mỹ, theo đó, một số cổ phiếu hứa hẹn nhiều triển vọng như HSG, NKG, ANV, VGT, MSH...
Mối quan hệ Việt - Mỹ được đánh giá mang cả tính toàn diện và tính chiến lược. Suốt trong giai đoạn từ 2016-2020, kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân giữa hai nước tăng 18%/năm. Sáu tháng đầu năm nay, Mỹ chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu, với giá trị đạt 45 tỷ USD, đứng đầu Top 5 xuất siêu của Việt Nam, vượt mặt Hong Kong, Hà Lan, Anh... trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Khoảng 655 triệu USD đã được Mỹ đầu tư gián tiếp qua các quỹ tại Việt Nam, như MSIF Frontier markets Portfolio, MSCI Ishares, ASHMORE Emerging market Frontier Equity Funds...
Vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chọn Việt Nam là một trong hai điểm thăm, phần nào cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này. Việc một số ngành kinh tế sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ Việt - Mỹ nằm trong dự đoán của nhiều người.
Ngành thép
Đây là ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi trong thời gian sắp tới. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thép xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh cả về số lượng (+250%), và giá trị (+283%) so với cùng kỳ, chiếm 7% tổng kim ngạch.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, Mỹ là thị trường có nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu thép do sự gián đoạn nguồn cung sau các đợt phong tỏa và nhu cầu xây dựng, sản xuất của nước này tăng mạnh sau đại dịch khi gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ có hiệu lực trong thời gian tới.
Một số cổ phiếu của ngành thép được BSC lưu ý về tính khả quan, như HSG và NKG có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu, dự kiến tăng từ 30% lên 50% trong năm nay, với khoảng 120-130 nghìn tấn/tháng, chiếm 70% tổng sản lượng tiêu thụ, giúp doanh nghiệp có thể duy trì hết công suất đến hết tháng 11 tới.
Còn NKG dự kiến có sản lượng xuất khẩu sẽ chiếm khoảng 80% tổng sản lượng tiêu thụ. Trong khi đó, giá các sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường Mỹ và châu Âu duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn, giúp doanh nghiệp có thể duy trì được lợi nhuận trong những quý tới. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của NKG cũng ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với lợi nhuận ròng đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 19 lần so với cùng kỳ.
Rủi ro lớn nhất của HSG và NKG hiện nay là sự biến động điều chỉnh giá HRC có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Thủy sản
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo BSC, quý 3 kỳ vọng hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục nhờ độ phủ của vaccine và mức nền thấp của năm ngoái sẽ hỗ trợ tốc độ tăng trưởng. BSC cũng cho rằng, chi phí vận tải và chi phí nguyên vật liệu neo cao sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi lợi nhuận trong khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục khả quan.
Hiện ngành thủy sản còn gặp một số khó khăn như: Cước phí vận tải tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
VHC, FMC, MPC, ANV là những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính sang Mỹ, được BSC đánh giá có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh vẫn còn tạo nhiều lực cản với các doanh nghiệp này.
Dệt may
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may trong nước. Nửa đầu năm nay, kim ngạch dệt may sang Mỹ đạt 4 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ. Quý 3, BSC đánh giá đây tiếp tục là ngành tăng trưởng tốt nhờ "giá trị đơn hàng khả quan ký từ đầu năm và ký mới, khi nhu cầu mua sắm tại thị trường xuất khẩu tăng cao và mức nền thấp của năm 2020 hỗ trợ tốc độ tăng trưởng".
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc giãn cách xã hội khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc giao đơn đúng hạn và việc ký đơn hàng mới.
MSH, TNG, STK, VGT được BSC giữ quan điểm đánh giá khả quan trong quý 3 tới.
Bất động sản công nghiệp
Giá trị đầu tư FDI của Mỹ vào Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 4% so với 6 tháng đầu năm ngoái đã mở ra nhiều triển vọng cho bất động sản công nghiệp. Năm tháng đầu năm, 25 dự án đầu tư khu công nghiệp mới trên 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/phân khu đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hạn chế chính của ngành hiện nay chính là dịch bệnh khiến chậm trễ trong tiến độ giao dịch, trong khi nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao. KBC, SZC, LHG được BSC kỳ vọng sẽ là những cổ phiếu hưởng lợi trong những quý còn lại của năm.
Cảng biển
Với sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển dự kiến đạt 381 triệu tấn trong năm nay, tăng 9% so với năm ngoái cho thấy tiềm năng của ngành cảng biển. Theo BSC, "sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia đang thúc đẩy chiến dịch miễn dịch toàn dân kết hợp với các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất", sẽ giúp ngành này tiếp tục tăng trưởng.
BSC giữ ý kiến đánh giá khả quan với SGP, VSC, FPT, DRC, PTB, DBC trong quý 3 và quý 4 tới.