Cổ phiếu nào của ngành điện sẽ 'sáng cửa' trong cuối năm nay?
(DNTO) - Doanh nghiệp kịp về đích trong cuộc đua điện gió trước ngày 1/11 năm nay và những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà máy điện được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022 trong ngành điện.
Bức tranh kinh doanh đa sắc
Nửa đầu năm nay, đà phân hóa giữa các doanh nghiệp điện ngày càng rõ nét. Có những doanh nghiệp lãi hàng trăm tỷ đồng nhưng cũng có không ít rơi vào thua lỗ.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW) ghi nhận mức doanh thu dẫn đầu ngành với 7.708 tỷ đồng, báo lãi 876 tỷ đồng trong quý 2, tăng 16% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, POW đem về 1.384 tỷ đồng lãi ròng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo sau bậc đàn anh này, có thể kể đến CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCom: DNH) với lãi sau thuế quý 2 đạt 322 tỷ, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 665 tỷ, tăng 246% so với nửa đầu năm ngoái. Hay Tổng công ty Điện lực TKV (HNX: DTK), đạt lãi 253 tỷ đồng trong quý 2, tăng 23% so với cùng kỳ.
Bên cạnh các doanh nghiệp đạt lãi lớn, không ít doanh nghiệp giảm lãi. Lợi nhuận sau thuế của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) giảm tới 90% so với cùng kỳ, chỉ còn 24 tỷ đồng trong quý. CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) cũng giảm 89% lợi nhuận, báo lãi trong quý cũng chỉ còn gần 5 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thủy điện "sáng cửa" hơn cả, khi có nhiều doanh nghiệp đã chuyển lỗ thành lãi. Đơn cử như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH), từng lỗ 2 tỷ đồng trong quý 2 năm ngoái thì cùng kỳ năm nay lãi 135 tỷ, kéo lãi 6 tháng đầu năm nay đạt 236 tỷ đồng, tăng hơn 7.539%. CTCP Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) báo lãi quý 2 năm nay cũng tăng tới 702% so với mức lỗ trong cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nhận thấy, trong khi thủy điện lạc quan thì nhiệt điện có phần u ám hơn khi doanh thu nhiều công ty sụt giảm. Thống kê từ VCBS, tính trung bình doanh thu các doanh nghiệp nhiệt điện sụt giảm 25% so với cùng kỳ, trong đó sụt giảm mạnh nhất là Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), doanh thu giảm tới 48%.
Về năng lượng tái tạo, hiện rất nhiều công ty của riêng ngành này niêm yết, chỉ có một số công ty có hoạt động khác và phát triển thêm như: ASM, HDG, LCG, GEG, TTA đều cho thấy mức doanh thu từ mảng này khá ổn định do giảm áp lực cắt giảm công suất.
Lựa chọn cổ phiếu triển vọng
Ngành điện với nhiều đặc thù khi phụ thuộc vào môi trường tự nhiên bên ngoài. Doanh nghiệp thủy điện được hưởng lợi do hiện tượng La Nina với lượng mưa lớn khiến lưu lượng nước về hồ sẽ cao hơn các thời điểm khác trong năm.
Trong khi đó, nhiệt điện khó khăn hơn khi chi phí đầu vào tăng cao, lại chịu tác động của dịch bệnh. "Điểm sáng chủ yếu ở một số doanh nghiệp có câu chuyện hết khấu hao, lãi vay và phân bổ chênh lệch tỷ giá như PGV, QTP…", báo cáo của VCBS cho biết.
Còn với năng lượng tái tạo, đây là ngành được đánh giá với nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ưu điểm như chi phí đầu tư ngành càng được tiết giảm, đây còn là ngành được xác định là trọng điểm trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2045 với 115,7 GW (tương ứng 42% cơ cấu nguồn điện), theo dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Do đó, về triển vọng ngành điện năm nay, các chuyên gia đến từ VCBS đánh giá cao tiềm năng của các dự án điện gió:
"Cuộc đua điện gió trước ngày 1/11/2021 sẽ giúp công suất điện tăng thêm hơn 6.000 MW, chiếm gần 10% công suất hệ thống. Với giá FIT hiện tại, IRR các dự án có thể đạt 15%-18%, đem lại hiệu quả rất cao nếu được phát hết công suất. Như vậy các công ty hoàn thành kịp các dự án điện gió đúng hạn sẽ là các công ty đáng chú ý trong 2H.2021 và 2022 với mức sinh lời tốt", các chuyên gia của VCBS nhận định.
Cũng theo VCBS, lựa chọn cổ phiếu ngành điện nên lựa chọn dựa trên các đặc điểm: (1) Các doanh nghiệp phát triển dự án điện gió có thể chạy thương mại trước 1/11 và nằm trong khu vực được đầu tư mạng lưới truyền tải tốt, không bị cắt giảm công suất; (2) Các doanh nghiệp xây dựng công trình năng lượng, mạng lưới truyền tải điện, đặc biệt là phục vụ cho điện gió và (3) Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà máy điện.
Ba cổ phiếu được các chuyên gia khuyến nghị gồm CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE), CTCP Xây lắp Điện I (HOSE: PC1) và CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HOSE: TV2).
REE với 3 dự án điện gió với tổng công suất 102 MW đang thi công đúng tiến độ giúp doanh nghiệp tăng thêm khoảng hơn 700 tỷ doanh thu bán điện gió. Ngoài ra, 86 MWp điện áp mái hoàn thành năm ngoái sẽ giúp REE tăng thêm 180 – 190 tỷ đồng doanh thu và khoảng 80 – 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm. Lợi nhuận dự phóng của doanh nghiệp trong năm tăng 15,9% so với năm ngoái, EPS là 6.088 đồng. VCBS khuyến nghị giá của REE là 67.100 đồng/cổ phiếu.
Với PC1, tiến độ 3 dự án điện gió (144MW) đang hoàn thành tốt. Mảng xây lắp và thủy điện tăng trưởng doanh thu rất mạnh trong năm nay nhờ các dự án điện gió ký mới, hơn 1.000 tỷ hợp đồng xây lắp và La Nina vẫn hiện diện vào mùa mưa năm nay hỗ trợ tích cực cho mảng thủy điện. VCBS đưa giá khuyến nghị cho PC1 là 33.700 đồng/cổ phiếu.
Tại TV2, mảng quản lý vận hành có tiềm năng tăng trưởng mạnh khi tên tuổi ngày càng được khẳng định trên thị trường. Công suất quản lý vận hành trong năm nay đang tăng hơn gấp 3 lần năm ngoái sẽ giúp doanh thu mảng này ước đạt 180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 50 tỷ đồng. TV2 cũng được đánh giá về sự gia tăng hiệu quả sử dụng tài sản nhờ vào việc đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao. Giá được khuyến nghị là 61.100 đồng/cổ phiếu.