VASEP đề xuất giảm phí điện, dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp
(DNTO) - Ngày 18/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong công văn trên, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đối với ngành thủy sản nếu không khôi phục vào tháng 9/2021, nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi mà không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi.
Cụ thể, đối với ngành nuôi trồng thủy sản là một ví dụ, không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm-cá không còn cơ hội và cực kỳ khó khăn.
Theo đó, ông đề xuất cần khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9. Đồng thời, ông cũng đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021.
Lý do được ông Hòe đưa ra là các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thuỷ sản bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển. Một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản sẽ gồm đủ tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ chế biến, đó là chế biến-cấp đông-kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng – chế biến – cấp đông – bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.
Ngoài ra, ông Trương Đình Hòe cũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Sở dĩ vậy, theo ông Hòe, trong bối cảnh phải ngừng sản xuất hoặc co hẹp sản xuất, doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều khó khăn bao gồm cả áp lực lớn về chi phí. Trong đó có chi phí phải trả lương cho người lao động của mình khi họ đi cách ly hoặc không thể tham gia sản xuất (giảm công suất khi thực hiện 3 tại chỗ, ngừng sản xuất). Bảo hiểm xã hội chi trả lương cho người lao động (đang đóng bảo hiểm xã hội) trong trường hợp nêu trên, thay vì doanh nghiệp phải trả, là hoàn toàn phù hợp và phát huy được vai trò của bảo hiểm xã hội.
Trong đề xuất, VASEP dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 935,1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 gồm quỹ ốm đau, thai sản hơn 12,7 ngàn tỷ đồng; quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 53,7 ngàn tỷ đồng; quỹ bảo hiểm thất nghiệp hơn 89,1 ngàn tỷ đồng; quỹ hưu trí, tử tuất hơn 789,1 ngàn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bản kiến nghị, ông Trương Đình Hòe còn đề nghị TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng.
Đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022, công văn kiến nghị nêu rõ.
Về các chi phí sản xuất, VASEP đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.