HPG tăng kịch trần, nhiều tin vui trước ngày chốt quyền cổ tức
(DNTO) - Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã có một phiên giao dịch thành công rực rỡ khi giá tăng kịch trần, khối lượng giao dịch đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 60 triệu đơn vị trong một ngày.
HPG đã trải qua ngày giao dịch không hưởng quyền đầy ấn tượng trước ngày chốt quyền hưởng cổ tức năm 2020, ngày 1/6. Theo quyết định của đại hội đồng cổ đông, HPG sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35%, tổng cộng là 40% mệnh giá.
Sau khi điều chỉnh theo cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu là 49.350 đồng/cp, HPG có giá tham chiếu mới là 49.350 đồng chứ không phải mức giá 67.100 đồng như cuối tuần trước. Mức giá mới đã trở nên hợp túi tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên đã thu hút một lượng lớn giao dịch trong ngày hôm nay.
Chốt phiên 31/5, HPG có một ngày giao dịch thành công rực rỡ khi khối lượng giao dịch đạt đỉnh, cao nhất từ trước đến nay với hơn 60 triệu cổ phiếu đạt giá trị hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao kỷ lục của HPG cũng như kỷ lục của cả thị trường bởi chưa bao giờ có một cổ phiếu đơn lẻ giao dịch nhiều như vậy trong một ngày.
Niềm vui dồn dập bởi hôm nay, theo thông báo từ Hòa Phát, tập đoàn chính thức sở hữu mỏ quặng sắt Roper Valley tại Úc. Theo đó, ngày 28/5 vừa qua, một công ty con của Tập đoàn Hòa Phát có trụ sở ở Úc đã được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc (FIRB) chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án Mỏ quặng sắt Roper Valley tại nước này.
Mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Như vậy với hợp đồng này, Hoà Phát chính thức bước chân vào thị trường mỏ sắt lớn nhất thế giới, hướng tới mục tiêu quan trọng là làm chủ nguồn cung trong sản xuất của tập đoàn.
Theo thông tin từ Hòa Phát, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt, tương đương 10 triệu tấn/năm.
Nhận thấy Úc cũng là thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới, nguyên liệu đang chiếm tới 30% giá thép nhưng hiện Hòa Phát vẫn đang nhập khẩu nên "Tập đoàn đang nghiên cứu để trong tương lai có thể sẽ mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc, nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này".
Thời gian vừa qua, giá sắt thép tăng cao đã đem lại nhiều cơ hội cho ngành thép trong nước nói chung và Tập đoàn Hòa Phát nói riêng. Tính riêng tháng 4, sản lượng bán hàng các loại thép rút, thép dự ứng lực của Hòa Phát tăng 57% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu cũng tăng 9% so với tháng 4 năm ngoái.