Cổ phiếu Mỹ mất sức sau lời bình ‘hawkish’ từ quan chức Fed
(DNTO) - Thị trường chứng khoán Mỹ mất sức tăng sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng. Các nhà đầu tư dự đoán 75% Fed sẽ tăng lãi suất lên 0,25% trong tháng này.
Trong phiên giao dịch ngày 9/1 (giờ địa phương), cổ phiếu Mỹ đã gỡ bỏ mức tăng trưởng trước đó sau khi hai quan chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng khẳng định việc họ sẽ tăng lãi suất cho vay lên trên 5% trong năm 2023, làm tan nát hy vọng của các nhà đầu tư.
Chỉ số chứng khoán “an toàn” (blue-chip) của Phố Wall, S&P 500, sau khi khởi đầu phiên giao dịch với mức tăng 1,4%, đã đi xuống 0,1%, thấp hơn trong cuối ngày. Cổ phiếu các công ty dược phẩm nằm trong số tuột dốc sâu nhất.
Với các công ty công nghệ “nặng ký”, Nasdaq Composite đã chóng vánh đạt ngưỡng tăng 2,3%, cuối cùng phải chấp nhận chỉ tăng 0,6%. Tesla và các hãng sản xuất chip Nvidia, AMD đã leo dốc hơn 5%. Dow Jones Industrial Average cũng đã mất 0,3%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chuyển từ tím sang đỏ vào buổi chiều, sau khi có tin quan chức Fed ở chi nhánh San Francisco và Atlanta lên tiếng cảnh báo lãi suất cho vay sẽ phải tăng hơn 5% để có thể khống chế lạm phát. Giám đốc Fed thuộc Ngân hàng Trung ương Atlanta, Raphael Bostic, nhấn mạnh lãi suất sẽ phải được giữ ở mức cao như thế “trong một thời gian dài”.
Những lời bình “hawkish” (thái độ cứng rắn) này trái ngược với các dấu hiệu khả quan được tung ra vào hồi thứ Sáu tuần trước. Theo thông tin của Bộ Lao động Mỹ, mức tăng trưởng tiền công lao động đã yếu dần, “giảm nhiệt” cho lạm phát đang tăng cao.
Thị trường chứng khoán ở Mỹ và trên toàn thế giới đã có một khởi đầu khá lạc quan cho năm 2023, nhờ một loạt các dấu hiệu lạm phát có thể giảm dần. Giới đầu tư mong rằng những dấu hiệu này có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất cho vay trước khi gây ra tổn hại nhiều hơn cho nền kinh tế.
Tuy vậy, các nhà đầu tư cho rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ cần phải thấy dấu hiệu lạm phát đang trên đà giảm liên tục để có thể xem xét việc nới lỏng các chính sách tiền tệ. Giá cả hàng hoá và dịch vụ, ngoại trừ các loại giá nhiều biến động như thực phẩm và năng lượng, vẫn còn đang leo thang quá nhanh.
“Trong 2023, chúng ta cần phải thấy tất cả các con số đều chỉ vào chiều hướng khả quan thì thị trường chứng khoán mới có thể giữ sức tăng trưởng” - theo lời Edward Park, Giám đốc đầu tư từ Brooks Macdonald có trụ sở tại London.
Vì thế, các nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm đến thông tin giá cả tiêu dùng tại thị trường Mỹ, sắp sửa được tung ra vào thứ Năm tuần này. Những dữ liệu này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến quyết định trong cuộc họp của Fed vào ngày 31/1.
Cũng trong tuần, mùa công bố doanh thu sẽ bắt đầu với các ngân hàng lớn tại Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase và Bank of America, báo cáo vào thứ Sáu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ hạn mười năm, giảm xuống còn 3,516% từ mức 3,570% của ngày thứ Sáu. Tỷ giá đồng đô la tiếp tục giảm, có thể giúp làm yếu dần lạm phát, chỉ số WSJ Dollar Index đi xuống 0,7%.
Thị trường chứng khoán thế giới vẫn đang trong đà tăng. Stoxx Europe 600 của châu Âu tiếp tục lên 0,9%. Các nhà đầu tư tại châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tại đây có thể tiếp sức cho thị trường chứng khoán.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng lên 1,9%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Hoa đại lục cũng tăng 0,6%.
Giá dầu đã tăng lại, nhờ có cuộc mở cửa trở lại của Trung Quốc, khiến nhu cầu tăng cao. Chỉ số Brent thêm được $1.08 giá trị, tương đương 1,4%, hiện giao dịch ở mức $79.65/ thùng.