Có lượng quế hồi lớn nhất nhì thế giới, Trung Quốc thu tỷ USD, Việt Nam thu ‘tiền lẻ’
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/11/29/huyentrang-085122.jpg)
(DNTO) - Trung Quốc sở hữu công nghệ chế biến dược liệu tiên tiến nên thua mua nguyên liệu từ Việt Nam và chế biến thành sản phẩm cao cấp để xuất khẩu.
![Sản phẩm quế hồi Việt Nam được thế giới ưa chuộng nhờ lượng hoạt chất và mùi hương đặc trưng. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2023/09/28/que-hoi-1722.jpg)
Sản phẩm quế hồi Việt Nam được thế giới ưa chuộng nhờ lượng hoạt chất và mùi hương đặc trưng. Ảnh: T.L.
Sản lượng lớn nhưng giá trị nhỏ
Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023, đại diện các Thương vụ cho biết sản phẩm dược liệu Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn kém phát triển.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, trong đó nguồn dược liệu quý hiếm phong phú. Đây là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng trên bản đồ dược liệu thế giới, và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành kinh tế dược liệu.
Riêng quế, Việt Nam có khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Đây cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Cây hồi chiếm phần lớn ở Việt Nam và Trung Quốc, là cây bản địa rất ít nước sở hữu.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 276 triệu USD quế hồi, nhưng so với thị phần dược liệu thế giới, con số này rất nhỏ.Đơn cử so với Trung Quốc, nước này xuất khẩu tới 7 tỷ USD dược liệu trong năm ngoái. Trong khi nước này nhập khẩu 66,9 nghìn tấn dược liệu nhưng lượng xuất khẩu gấp 3,5 lần nhập khẩu.
“Một doanh nghiệp xuất khẩu dầu và tinh dầu quế sang Mỹ cho chúng tôi biết Mỹ nhập khẩu rất ít tinh dầu quế Việt Nam nhưng nhập khẩu rất nhiều quế thanh về làm dược phẩm, dược liệu và cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Điều này cho thấy máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của chúng ta chưa đáp ứng dù nguyên liệu rất dồi dào”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết.
Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên thế giới là do đa phần được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Kể cả sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ.
“Thời gian vừa rồi, các vùng trồng cà gai leo phát triển rất nhiều nhưng không có người thu mua, buộc họ phải phá bỏ. Hay ở Nam Định, những năm vừa qua trồng dây thìa canh để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, nhưng cũng không có đầu ra, chuỗi giá trị bền vững thì buộc người nông dân chặt bỏ. Người Việt Nam cứ thấy gì có lãi là ào ào vào trồng, đến một lúc nguồn cung thừa rất nhiều”, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho hay.
Giá trị rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc
![Chiết xuất tinh dầu từ dược liệu đưa vào các sản phẩm giá trị gia tăng giúp Trung Quốc thu lợi nhuận khủng. Ảnh: T.L.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2023/09/28/tinh-dau-que-1723.jpg)
Chiết xuất tinh dầu từ dược liệu đưa vào các sản phẩm giá trị gia tăng giúp Trung Quốc thu lợi nhuận khủng. Ảnh: T.L.
Thực tế trên xảy ra ở các vùng dược liệu hàng đầu của Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái thông tin tỉnh có diện tích 86.000 ha quế, trong đó có 20.000 ha đạt chứng chỉ hữu cơ, thu hoạch gần 30.000 tấn quế/năm, là tỉnh có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước. Mỗi năm, giá trị xuất khẩu quế tại Yên Bái đạt khoảng 5-6 triệu USD.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở tỉnh nhà vẫn chỉ đứng vai trò thu mua, bán lại cho doanh nghiệp chế biến gia vị khác trong nước. Doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp rất hạn chế. Trong năm qua, bà con đã thu gom lá quế, cùng các hợp tác xã nấu tinh dầu quế, sản lượng gần 2.000 tấn tinh dầu quế. Nhưng hàm lượng hoạt chất vẫn thấp nên chủ yếu bán tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, tỉnh còn có một số loại thảo dược như sơn tra, thảo quả… nhưng cũng chung số phận là bán sang nước láng giềng.
“Đề nghị các đồng chí Thương vụ giới thiệu doanh nghiệp khảo sát địa bàn, đầu tư công nghệ chế biến tại Yên Bái để sản phẩm xuất khẩu trực tiếp từ địa bàn trong thời gian tới”, ông Chiến nhấn mạnh.
Tương tự tại Lai Châu, quy mô quế trên 11.500 ha. Cả tỉnh có 1-2 cơ sở chế biến tinh dầu thô với sản lượng 50-60 tấn. Các dược liệu khác như sâm, thảo quả, đương quy… có trên 10.000 ha. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của các dược liệu này cũng chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
“Các dược liệu chủ yếu bán cho thương nhân, các thương nhân xuất khẩu tiểu ngạch dẫn đến đội lên nhiều chi phí trung gian, giá trị người trồng thu về rất thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu, nói.
Hiện dược liệu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, tiến trình mở cửa xuất khẩu chính ngạch đang tiến hành rất chậm. Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp dược liệu Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, các địa phương cần quan tâm quy hoạch vùng trồng và tích cực làm việc với các bộ ngành để tìm đầu ra cho dược liệu và tiến tới xuất khẩu chính ngạch.
“Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro trong thanh toán giao dịch. Các địa phương có vùng trồng dược liệu lớn có kế hoạch tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại thị trường đích như Quảng Tây – nơi 80% dược liệu Trung Quốc được chế biến, đóng gói”, ông Quân nói.
Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ sở khoa học, nhà khoa học nước ngoài tìm kiếm, đưa công nghệ R&D về Việt Nam để bảo tồn gen giống, phát triển thị trường, thương hiệu. Đối với các cơ quan Bộ Công thương, cố gắng kết nối chặt chẽ, nắm bắt thông tin của địa phương với Thương vụ nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Các đồng chí thương vụ kết nối đối tác cho chúng ta mất rất nhiều công sức, nhưng đến lúc kí hợp đồng thì chúng ta không đủ sản lượng. Thực tế nếu tinh dầu quế, hồi muốn xuất khẩu vài container/tháng từ Việt Nam rất khó khăn. Các địa phương cần hết sức quan tâm để có vùng chuyên canh, không thể ‘trăm hoa đua nở’, cây gì cũng muốn trồng nhưng diện tích nhỏ và không tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn, sản lượng thương mại đủ lớn để phục vụ cho xuất khẩu. Hay trong chế biến, nếu 600 tấn thảo quả của Lai Châu thu hoạch trong 1 năm, thì 1 vụ không đủ để nhà đầu tư người ta đầu tư một xưởng, đừng nói 1 nhà máy”, ông Phú nhấn mạnh.