Vì sao cổ phiếu Hòa Phát luôn được chuộng?

(DNTO) - Sự thẳng thắn, quyết đoán, rõ ràng trong các chiến lược phát triển của vị Chủ tịch Trần Đình Long có lẽ đã phần nào tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu đầu ngành thép, HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Những câu nói ấn tượng
Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông đông đảo nhất trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, doanh nghiệp đang có khoảng 6,3 tỷ cổ phiếu được lưu hành. Số lượng cổ đông theo thống kê từ tập đoàn lên tới hơn 190 ngàn người, cao nhất của một công ty trên sàn chứng khoán và cũng là con số kỷ lục của tập đoàn này.
Trong khi nhiều doanh nghiệp lo lắng về việc lượng cổ đông dự ĐHĐCĐ không đủ tỷ lệ tổ chức đại hội, thì với Hòa Phát, đây không phải vấn đề đáng lo lắng. Việc được đến nắm bắt tình hình doanh nghiệp, chất vấn và nghe trải lòng của vị chủ tịch đã trở thành động lực cho nhiều cổ đông tham dự.

Ảnh minh họa
Ở mỗi kỳ đại hội, ông Long lại nổi lên với nhiều câu nói gây xôn xao dư luận. Năm 2022, chẳng ngại ngần hay giấu giếm gì nhà đầu tư, ông nhận định: "Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Và đúng như dự báo của ông, quý 2 sau đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn một nửa so với quý liền trước, quý 3 và quý 4 liên tục ghi nhận con số âm.
Năm 2023, khi nói về đội ngũ kế thừa, ông Long từng nổi với câu nói: "Không có ông Long thì có ông Thắng, không có ông Thắng thì có ông Thắng phẩy. Yên tâm nhé!". Nhiều câu nói của ông vẫn được nhiều người nhắc lại bởi sự thực tế và rõ ràng quan điểm ở những lần ĐHĐCĐ trước đây như "Ngành thép hiện tại khốc liệt hơn tôi nghĩ rất nhiều!", “Hoà Phát sẽ chỉ làm những việc khó”, "cổ phiếu Hòa Phát từ tốt đến rất tốt" hay "“Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất, tôi góp tiền đi làm và cũng mong kiếm được tiền”.
Sáng nay, ngày 17/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Hòa Phát, ông Long cũng để lại câu nói ấn tượng. Nói về sự cạnh tranh, ông cho biết đã "mất cái dây thần kinh sợ lâu rồi". Nói về chính sách thuế quan, ông nói: “Quân tử phải phòng thân”. Đặc biệt từ "yên tâm" được ông dùng nhiều lần như một sự động viên cho các cổ đông.
Sự lạc quan trong kinh doanh
Năm 2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu hơn 140 ngàn tỷ đồng, lãi sau thuế trên 12 ngàn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 20% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, năm nay, tập đoàn đặt ra kế hoạch vượt trội, với 170 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thế 15 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 25% so với 2024 và nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử của Tập đoàn và lợi nhuận cao nhất trong 4 năm qua.
Điều này cho thấy sự lạc quan của Hòa Phát dù Chủ tịch nhận định vẫn còn không ít thách thức và còn cần tính đến các kịch bản tiêu cực.
"Tình hình chung đang diễn biến phức tạp. Mặc dù Mỹ tạm hoãn 90 ngày thuế đối ứng, nhưng về cơ bản, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Có người lạc quan, có người bi quan, thậm chí kêu gọi ngừng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, tôi muốn báo cáo với Đại hội rằng Hòa Phát đang có tinh thần phòng thủ rất tốt, làm việc bài bản và cẩn trọng", ông cho biết.
Sự lạc quan của ông Trần Đình Long có lẽ đến từ sự phòng bị, cẩn trọng của doanh nghiệp, cũng như cái nhìn tích cực trước thời cuộc.
Về xuất khẩu, doanh nghiệp luôn giữ dưới 20%, ngoại trừ năm 2024 phải tăng lên 31% do trong nước khó khăn và tồn kho giá rẻ, để an toàn trước biến động thị trường. Riêng thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% nên khi theo tập đoàn, tác động từ cuộc chiến thuế quan không nhiều.
Điểm nhấn trong kế hoạch kinh doanh của Hòa Phát là khu liên hợp Dung Quất 2 đang chuẩn bị vận hành, dự kiến đi vào hoạt động đúng tiến độ. Dự án được kỳ vọng nâng công suất thép của Hoà Phát đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, và nếu đạt được điều này sẽ đưa năng lực cạnh tranh và quy mô của Hoà Phát lên một tầm mới.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 12 tháng qua. Nguồn: Vietstock
Các mảng bất động sản và nông nghiệp được Hòa Phát đánh giá triển vọng với mức tăng trưởng bằng lần trong năm 2024. Trong quý I, riêng mảng nông nghiệp đã mang về lãi sau thuế 400 tỷ đồng cho Hòa Phát.
Năm nay, chính sách cổ tức của doanh nghiệp thay đổi, từ dự định 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu thành trả toàn bộ 20% cổ tức bằng cổ phiếu. Doanh nghiệp cho biết từ 2026, doanh nghiệp sẽ chia cổ tức tiền mặt nếu tình hình tốt hơn. Đây là năm thứ ba doanh nghiệp nói không với chia cổ tức bằng tiền.
Phiên giao dịch hôm nay, ngay sau phiên ĐHĐCĐ, cổ phiếu HPG từng có thời điểm giảm nhẹ trên 1% tuy nhiên kết phiên giữ nguyên mức giá hôm qua với 25.500 đồng/cp. Lượng cổ phiếu khớp lệnh tương đối thấp chỉ có 24 triệu đơn vị trong phiên, trong khi trong tháng qua trung bình có trên 34 triệu cổ phiếu HPG được trao tay mỗi phiên.
Theo đánh giá của SHS, Hòa Phát đang đứng trước nhiều yếu tố thuận lợi như được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công trong nước; việc thép HRC nhập khẩu bị áp thuế chống bán phá giá; việc Mỹ áp thuế thép nhập khẩu khiến cho môi trường cạnh tranh công bằng hơn với thép HPG khi một số quốc gia khác trước đó được hưởng thuế ưu đãi.
Tuy nhiên, các chuyên gia SHS cũng lưu ý về các rủi ro có thể đến với HPG như thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, hạn chế lực cầu; áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu Trung Quốc và sự gia tăng phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu.