Chuyển hướng vận tải hàng hóa, ngành đường sắt nỗ lực 'giảm lỗ'
(DNTO) - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, doanh thu vận tải hành khách 5 tháng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020.
Chỉ riêng dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đã có 11.383 vé bị trả lại (gần 4 tỷ đồng). Tiếp đó, trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn... có thể thấy trong bối cảnh khá "bi đát" của thị trường vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã rất nỗ lực "giảm lỗ" khi chủ động chuyển đổi sang vận tải hàng hoá.
Doanh nghiệp lao đao, người lao động không có việc làm
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, doanh thu vận tải hành khách 5 tháng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 51,4% so với cùng kỳ 2020.
Hành khách lên tàu thực hiện được 1.147.813 lượt hành khách, bằng 64,6% so với cùng kỳ. Doanh thu hành khách đạt hơn 400 tỷ đồng, bằng 51,4%. Đặc biệt trong tháng 5, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, hành khách lên tàu 132.300 lượt, chỉ bằng 48,4% so với cùng kỳ, doanh thu hành khách 44,7 tỷ đồng, bằng 55,4%.
Chỉ riêng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, VNR cho biết, đã có 11.383 vé bị trả lại với doanh thu bị trả lại xấp xỉ 4 tỷ đồng. Còn trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách cắt giảm là 393 đoàn, trong đó số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phải cắt giảm là 247 đoàn tàu khách, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn phải cắt giảm là 146 đoàn.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có ổ dịch phức tạp đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TPHCM…
Cùng đó, nhiều địa phương quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch và người về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly từ 14-21 ngày. Người dân hạn chế đi lại, lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng khiến ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách.
Đại diện VNR cho biết, đại dịch Covid-19 "càn quét" đã khiến các doanh nghiệp vận tải đường sắt lao đao, người lao động không có việc làm. Doanh nghiệp này hiện có 1.169 người đang tạm hoãn hợp đồng lao động và hơn 130 lao động đang phải nghỉ không lương.
"Tổng Công ty đường sắt Việt Nam có 2 công ty cổ phần vận tải lớn nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn. Trong đó, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội từ tháng trước đã dự kiến năm 2021 doanh thu vận tải chỉ bằng 84,4% cùng kỳ 2020, lỗ gần 193 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến doanh thu vận tải bằng 87,1% cùng kỳ, dự kiến lỗ hơn 227 tỷ đồng", đại diện VNR chia sẻ.
Chuyển hướng để giảm lỗ
Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện từ năm 2020, Tổng Công ty đã chủ trương chuyển đổi từ vận tải khách tập trung sang vận tải hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù vẫn dự kiến lỗ, nhưng vận tải hàng hóa đang có sự tăng trưởng khá.
Cụ thể, kết quả 5 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa xếp đạt 2.422 nghìn tấn, bằng 126,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 713,5 tỷ đồng, bằng 121,8% so với cùng kỳ.
"Tổng Công ty tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để duy trì chạy tàu hàng liên vận quốc tế, khai thông các nút thắt trong chính sách đường biên của Trung Quốc và tích cực tìm kiếm nguồn hàng mới vận chuyển trong nước", ông Nguyễn Chính Nam nói.
Hiện, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh vận tải hàng hóa, khai thác đoàn tàu hàng chuyên tuyến, phát triển dịch vụ vận tải từ kho đến kho và dịch vụ vận chuyển hành lý từ nhà đến nhà thông qua đặt hàng online trên mạng.
Còn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng tăng cường kích cầu để vận tải hàng hóa song song với linh hoạt giá vé, khuyến mại để đón đầu khôi phục thị trường vận tải hành khách khi diễn biến dịch kiểm soát tốt hơn như: Giảm giá, giảm phí, trả vé hỗ trợ các công ty mua vé trọn toa suốt năm, dịch vụ đón đoàn khách nước ngoài, học sinh - sinh viên, phối hợp với các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch để triển khai các chính sách thu hút khách du lịch...
Đặc biệt, chung tay với người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên đề nghị hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển nông sản đi các tỉnh miền Trung, miền Nam bằng tàu hỏa. Đây là các tỉnh nằm trong vùng dịch mà bà con đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông các mặt hàng nông sản.
Theo đó, từ 11/6 đến hết ngày 31/7/2021, Tổng công ty Đường sắt thực hiện giảm giá cước vận chuyển tối đa là 50%; đồng thời, sử dụng các toa xe chuyên dụng và container lạnh bảo ôn vận chuyển hàng nông sản để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh chia sẻ: "Mặc dù là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song, với tinh thần ‘tương thân tương ái’, ngành đường sắt luôn sẵn sàng chung tay cùng cả nước hướng về bà con vùng dịch. Chúng tôi cam kết với nguồn lực hiện có, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân vùng dịch thực hiện việc vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh Miền Trung hoặc phía Nam".