Chuyên gia hiến kế tạo đột phá với Trung tâm đổi mới sáng tạo
(DNTO) - Việc hình thành các trung tâm đổi sáng tạo là yêu cầu cấp thiết với mỗi địa phương và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, khi công cuộc chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng. Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh đã đưa ra có 12 vấn đề, có ý nghĩa quyết định thành công với các trung tâm này.
Phát biểu trong Tọa đàm “Chuyển đổi số - Thay đổi để thích ứng và phục hồi”, do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tổ chức ngày 26/12, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Cố vấn cấp cao về công nghệ và giải pháp của VMED Group; Cố vấn cấp cao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết có 12 phương pháp để các trung tâm Đổi mới sáng tạo ở các địa phương phát triển.
Mười hai phương án bao gồm: Trung tâm phải tránh kế hoạch lớn; Phải tính ROI; Tập trung vào con người; Không tự ý hành động khi chưa có sự thống nhất; Cân đối nhân sự; phải là tổ chức có tiếng nói và dưới quyền lãnh đạo công ty; Nên tiến hành mua đừng xây; Quản lý dự án một cách kỷ luật; Chạy Hackathon cho nội bộ; Chuyển đổi thay vì làm gián đoạn; Nên sử dụng CINO thay vì CIO và cuối cùng là tránh kỳ vọng cao.
Trong các phương án trên, ông Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh ba phương án đầu tiên. Thứ nhất, các trung tâm đổi mới sáng tạo cần tránh các kế hoạch lớn, dễ gây cản trở cho các trung tâm trong quá trình thực hiện các dự án.
Thứ hai, việc tập trung vào con người là điều quan trọng nhất. Theo ông Tuấn Anh,đừng bao giờ nghĩ rằng có công nghệ là giải quyết tất cả, yếu tố con người mới là quan trọng nhất. "Người hiểu công nghệ chưa chắc đã hiểu hết doanh nghiệp. Chúng ta không thuê lập trình viên giỏi, chúng ta cần người hiểu các hoạt động doanh nghiệp", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thứ ba, các trung tâm phải phải tính ROI (Return On Investment) để tránh sự lãnh phí nguồn lực.
Với vấn đề xây và tự xây trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, ông cho biết: "Đừng bao giờ đổi mới sáng tạo là phải xây mọi thứ, nên thuê đơn vị đã làm. Nếu tự xây thì chi phí đắt hơn. Và sẽ thất bại. Khi chúng ta có một nhóm kỹ sư đi xây họ thất bại ko thể đuổi việc, trong khi thuê ngoài không thành công có thể không thanh toán".
Theo ông Tuấn Anh, lãnh đạo doanh nghiệp phải có sự thấu hiểu về công nghệ để có tiếp cận những khách hàng hiệu quả nhất.
Nguyên nhân thất bại
"Hiện tại Việt Nam có nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo (TTĐMST) nhưng họ làm gì, làm như thế nào thì cần xem lại quy trình, đích đến cụ thể:, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến các trung tâm khó đi dén thành công, bao gồm: Thứ nhất, thực hiện đổi mới sáng tạo chỉ để quảng bá. "Nhiều trung tâm tiến hành PR hơn cả kết quả đạt được. Đây là bệnh rất nặng ở các trung tâm. Dù thành công chỉ 3/10 dự án thôi cũng hơn làm PR. Đây chính là hướng đi sai cần thay đổi", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông gọi đây là Hội chứng mãn tính đầu tiên đối với các trung tâm.
Thứ hai là "sự cố BU" (viết tắt của sự suy thoái trong mối quan hệ giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo và các đơn vị kinh doanh). Để giải quyết điều này cần đòi hỏi nhiều phiên họp chung giữa BU và Trung tâm đổi mới sáng tạo để tìm ra cách chữa trị.
"Bước đầu tiên của việc cứu chữa là tất cả các bên đều nhận ra rằng hệ thống đã bị hỏng. Bước tiếp theo sau khi cải tổ văn hóa là xác định chính xác địa điểm, thời điểm và cách thức đổi mới", ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn Anh, chuyển đổi số như một ngọn núi để bạn leo lên. Bạn phải tự mình leo lên, nhưng cần những hướng dẫn phù hợp, với sự đồng hành của nhiều phía thì mới có một cuộc leo núi thành công nhất.
Chuyển đổi số, đừng bắt đầu bằng những việc quá to tát
Nói về lộ trình, bước đi của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ông Francis Tuấn Anh chia sẻ rằng: "Tôi thích ví dụ một đứa bé tập xe phải có bánh phụ, bánh xe tập đi như là công cụ, sau này giúp đứa trẻ vững vàng hơn. Với chuyển đổi số, ta phải chọn con người hiểu về nghiệp vụ doanh nghiệp, mục đích cuối cùng để tất cả mọi người trong doanh nghiệp đều thay đổi được tư duy".
Cũng theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số hiệu quả, bản thân doanh nghiệp phải nhận dạng được bài toán nhỏ nhất mà họ đang gặp phải. "Chúng ta phải giải quyết về con người, phải tìm người hiểu sâu về hoạt động doanh nghiệp, làm việc với doanh nghiệp để thay đổi tư duy của người làm kinh doanh. Cứ từng bước như vậy sẽ hiệu quả, đừng bắt đầu bằng những cái quá to tát, như thế sẽ thất bại. Trong một tập đoàn lớn, công ty lớn, chúng ta phải lập trung tâm đổi mới sáng tạo, có các thành viên hiểu công nghệ và kinh doanh, “trói họ” với nhau, như thế mới hiệu quả. Tóm lại, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải cùng ngồi lại, xem lại chính mình, tìm cách giản dị nhất để chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.