Nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo 'khát vốn'
(DNTO) - Đổi mới sáng tạo chính là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang có mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính
TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển, trích lập quỹ phát triển, duy trì hệ sinh thái nhà trường – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn hỗ trợ tài chính để nghiên cứu, phát triển.
Thực tiễn các doanh nghiệp của Việt Nam gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần nguồn tài trợ để nghiên cứu, phát triển, làm chủ và thương mại hóa công nghệ mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ không kể nhà nước hay tư nhân cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn) để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ.
Doanh nghiệp còn hạn chế trong việc nhận thức về vai trò của công nghệ, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, theo ông Hoàng, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo tác động đủ lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập Quỹ cũng như hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, sự đa dạng của hoạt động đổi mới, sáng tạo chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp...
Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp "khát vốn"
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh “khát vốn,” bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4,0%/năm (trung và dài hạn).
Từ năm 2016, Quỹ đã ủy thác các NHTM cho vay DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ. Việc đưa Quỹ đi vào hoạt động là tín hiệu tích cực, cho thấy sự hiệu quả bước đầu của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với đó, 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ của Quỹ được xác định chỉ là vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, các định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các NHTM cùng quan tâm, chung tay, hướng sự chú ý đến khối DNNVV đang còn yếu và thiếu vốn.
“Kết quả thực tế cho thấy, thông qua việc ủy thác cho các NHTM của Quỹ, các ngân hàng nhận ủy thác đã dần thay đổi khẩu vị từ các doanh nghiệp lớn sang cho vay các DNNVV”, bà Hồng cho biết.
Bà Hồng cũng thông tin, theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với các chức năng cho vay, tài trợ vốn là một trong những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong bối cảnh “khát vốn” ngày càng lớn của cộng đồng này.
Bà Hồng cho biết, các đối tượng DNNVV được Quỹ hỗ trợ đó là: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn vay vốn tối đa là ối đa không quá 07 năm. Đây là một chu kỳ trung bình của một dự án để có thể đánh giá tối đa hiệu quả một dự án.
Ngoài ra, Quỹ đã công bố cho vay thì doanh nghiệp cũng được hưởng những ưu đãi, như: phí khuyến khích trả nợ trước hạn và những hỗ trợ khác từ Ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp: DNNVV được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác của Ngân hàng kèm theo chương trình này nhằm nâng cao hiệu quả khoản vay.
Về phần mình, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin cơ quan này đã và đang thực hiện nhiều hoạt động, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách.
Cụ thể, Nghị định 80 của Chính phủ nêu rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số đồng thời được hỗ trợ chi phí về thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh (20 triệu đồng/doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/doanh nghiệp vừa).
Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, bà Thủy cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.