Bà Trần Uyên Phương, Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ người lãnh đạo
(DNTO) - Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ lãnh đạo doanh nghiệp. Người lãnh đạo đó tư tưởng phải nhất quán thì mới mang lại kết quả cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, tổ chức hôm nay, 15/12, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
"Đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ lãnh đạo doanh nghiệp với tư tưởng phải nhất quán, thì mới mang lại kết quả cho doanh nghiệp. Quá trình hiện thực hóa các nỗ lực đổi mới sáng tạo vào sản xuất kinh doanh gặp không ít thách thức, khi mà ngày trong giai đoạn hình thành ý tưởng đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi chất vấn, phải chứng minh tính hiệu quả và khả thi của ý tưởng đó, trong khi đổi mới sáng tạo đã hàm ý khác với những giá trị hiện tại", bà Phương nói.
Bà Phương bày tỏ, để nhất quán được, thì cần tính toán càng chi tiết và các dự báo rủi ro nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cần cụ thể và rõ ràng trong mục tiêu, đó sẽ là kim chỉ nam và định hướng khi có các vấn đề hay mâu thuẫn phát sinh…
“Tư duy đổi mới sáng tạo là một thước đo trong bộ năng lực lãnh đạo của Tân Hiệp Phát. Có các cấp độ khác nhau đối với từng vai trò và cấp bậc: từ cải tiến quy trình, cho đến tinh gọn, ứng dụng công nghệ để đạt mục tiêu: thay đổi kịp với mức độ thay đổi của thị trường và người tiêu dùng. Con người của Tập đoàn đều được đào tạo liên tục để luôn hòa nhập kịp thời với thị trường và để giữ được vị trí dẫn đầu trong mảng nước uống. Tân Hiệp Phát xác định việc tiếp cận mới với người tiêu dùng là cơ hội để thay đổi…”, bà Uyên Phương cho biết.
Tân Hiệp Phát có pha bứt tốc từ cú huých Covid-19, khi việc quản lý các quy trình hoàn toàn thông qua công nghệ, nên giảm thiểu giấy tờ, mọi người hình thành một phương thức phối hợp và làm việc mới với phương châm “văn phòng không giấy tờ”. Việc ký kết hợp đồng với đối tác sắp tới sẽ thông qua nền tảng điện tử, để tăng tốc độ dịch vụ giúp cho việc phục vụ khách hàng được thuận tiện.
Theo lãnh đạo Tân Hiệp Phát, chuyển đổi số ở Tập đoàn được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung chuẩn hoá hệ thống thông qua giải pháp quản trị doanh nghiệp, tạo khung nền tảng cơ bản cho văn hoá làm việc thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Giai đoạn 2: bứt phá vượt mọi rào cản thông qua văn hoá dịch vụ và phối hợp giữa các phòng ban, số hoá toàn bộ các quy trình và tương tác qua hệ thống Cloud.
Theo bà Uyên Phương, sáng tạo thông qua vận dụng các công nghệ hiện có của các nhà cung cấp dịch vụ để giúp chuyển đổi và phát huy tầm nhìn dịch vụ của Tân Hiệp Phát hướng đến khách hàng. Sáng tạo để liên kết các tính năng của công nghệ và mức độ đáp ứng của người dùng để giúp tối ưu và phát huy sức mạnh của tổ chức và công nghệ.
Cho rằng thất bại là một phần trong đổi mới sáng tạo, nhưng theo bà Trần Uyên Phương, điều quan trọng là làm sao “ngã về phía trước”, để tiến tới kết quả thành công chung? Nói thì dễ, nhưng ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn nỗ lực để đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa của doanh nghiệp…”, bà Trần Uyên Phương nói.
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%). Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Về phía Nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)... Về phía, doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “Đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4%) hoặc “Nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển…