Chuyên gia chỉ cách giúp sản phẩm địa phương thuận lợi 'đặt chân' vào siêu thị
(DNTO) - Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang làm khó nhiều sản phẩm địa phương khi muốn “bước chân” vào siêu thị. Đâu là cửa giúp doanh nghiệp nông sản khắc phục điều này?
Rào cản sản phẩm địa phương vào siêu thị
Việc đưa hàng hóa, sản phẩm vào hệ thống các siêu thị giúp các doanh nghiệp mở rộng kênh tiếp cận khách hàng, nâng cao thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, không giống như việc phân phối hàng truyền thống, việc đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị đòi hỏi doanh nghiệp đảm bảo rất nhiều quy chuẩn, trong đó có quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này hiện làm khó rất nhiều doanh nghiệp khi muốn đưa sản phẩm, hàng hóa đặc trưng địa phương Việt Nam vào siêu thị.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, nhiều sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm đặc sản vùng miền, mặc dù rất ngon, được người tiêu dùng trong nước và cả du khách quốc tế đón nhận nhưng rất khó đưa vào siêu thị.
Nguyên nhân bởi đa phần người sản xuất đều cho rằng, quá trình sản xuất không dùng thuốc trừ sâu là sẽ đảm bảo sản phẩm tự nhiên. Mặc dù tại hệ thống bán lẻ BRG đã xây dựng bộ quy trình riêng để ưu tiên cho các sản phẩm địa phương (OCOP) có giấy chứng nhận là đặc sản vùng miền, tuy nhiên mọi khi đưa hàng hóa vào siêu thị, hệ thống siêu thị của BRG đều phải nhờ cơ quan độc lập thứ ba để kiểm định chất lượng sản phẩm.
“Ví dụ mật ong được sản xuất theo quy trình truyền thống, rất tự nhiên, nhưng bảo quản trong chai nhựa, đóng nút lá chuối sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Quá trình đó rất nhiều rủi ro, đương nhiên trong hệ thống siêu thị có sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt thì rất khó có thể chấp nhận”, ông Dũng cho biết.
Gỡ khó từ đâu?
Để sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể rộng cửa và có chỗ đứng trong hệ thống các siêu thị trong nước, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, tại hệ thống siêu thị Mega Market, các doanh nghiệp muốn cung ứng hàng hóa cần đảm bảo các yêu cầu chính: thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, sản xuất kinh doanh rõ ràng, minh bạch, đúng theo quy trình, quy định của cơ quan có thẩm quyền.
“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những đối tác có đầy đủ giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm như Global Gap, VietGap, HAPCP,…, và các sản phẩm có quy trình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng”, ông Toàn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, các nhà sản xuất muốn đưa hàng vào siêu thị cần lưu ý đến thiết kế, đóng gói bao bì, tem nhãn sản phẩm.
“Trước đây, khi tham gia các hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh thành, các sản phẩm được bao gói rất đơn sơ, để trong túi ni lông; nhiều sản phẩm không có thông tin về cơ sở sản xuất, số điện thoại… Vì vậy đưa vào siêu thị rất khó”, ông Dũng cho hay.
Đặc biệt, dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao. Theo ông Dũng, điều này đặt ra yêu cầu cho các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa phải đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, bởi người tiêu dùng không thể trực tiếp lựa chọn sản phẩm trước khi ra quyết định mua. Vì vậy hàng hóa càng cần giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền để bán được cả ở kênh trực tiếp và trực tuyến.
“Nếu còn tư duy rau trồng tại vườn, lợn nuôi trong chuồng thì rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa vào lưu thông”, ông Dũng nêu quan điểm.
Vị lãnh đạo của tập đoàn bán lẻ BRG cũng mong muốn các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế cùng làm việc để sớm có hệ thống quy định đồng bộ, rõ ràng, và có một chứng nhận cho sản phẩm trước khi đưa vào lưu thông. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp hệ thống bán lẻ, siêu thị tiết kiệm rất nhiều nguồn lực.
“Không thể mỗi một chai nước mắm đưa vào siêu thị, chúng tôi đều phải lấy một xi lanh mẫu thử để mang đi kiểm nghiệm, chờ 1-2 tuần khi có kết quả mới cho vào lưu thông trong siêu thị. Việc này quá sức với các hệ thống phân phối”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về phía cơ quan chức năng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh để nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm.
Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức và quy định an toàn thực phẩm, thực hiện tốt các chính sách để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn.