Chuyện 'con đẻ' và ‘con nuôi’ của ngành hàng không
(DNTO) - Trong khi Vietnam Airline nhận được gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì việc giải cứu với các hãng hàng không tư nhân lại đang bị bỏ ngỏ?
Giải cứu doanh nghiệp hàng không là câu chuyện không của riêng doanh nghiệp nào dù là nhà nước hay tư nhân.
Thống kê tháng 7 của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay trong tháng của Vietnam Airline giảm hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái, Vietjet Air giảm 92% và Bambo Airways giảm 56%. Các chuyến bay bị cắt giảm, lượng hành khách eo hẹp, không chỉ riêng gì Vietnam Airline, phần lớn các hãng hàng không tư nhân khác cũng rơi vào tình trạng đuối sức.
Tuy nhiên, Vietnam Airline với khoảng 80% vốn của Nhà nước, nhiều người ví như "con đẻ" của Nhà nước, được Quốc hội và Chính phủ thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay tái cấp vốn, 8.000 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu sẽ khiến nhiều hãng hàng không tư nhân khác chạnh lòng.
Phát biểu trong buổi tọa đàm trực tuyến về giải pháp vốn cho ngành hàng không diễn ra vào ngày 2/8, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành hàng không đang cần giải cứu không kể Nhà nước hay tư nhân và "các hãng tư nhân xứng đáng được nhận hỗ trợ như Vietnam Airline".
Theo ông, nếu tiếp cận góc độ người lao động thì họ dù làm việc ở doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì đều là người lao động, xứng đáng được giải cứu.
Khó khăn lớn nhất của các hãng hàng không trong giai đoạn hiện nay là làm sao để có vốn duy trì hoạt động chờ dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, trong cơn khát vốn thì các tổ chức tín dụng đang quay lưng với họ.
“Tôi biết có hãng hàng không có đầy đủ tài sản đảm bảo mà có tổ chức tín dụng còn không mạnh dạn cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Các hãng hàng không tư nhân với đặc thù ít tài sản đảm bảo, trong bối cảnh gần như không có doanh thu, nguồn lực gần cạn kiệt, thậm chí nhiều khoản vay nếu không được cơ cấu lại theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước có nguy cơ sẽ biến thành nợ xấu.
Khó khăn cản trở sẽ khiến việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn hơn khiến doanh nghiệp “không chỉ khó khăn vì ảnh hưởng Covid mà còn khó khăn vì nợ xấu”, ông Hùng nhận định.
Theo ý kiến của một vài chuyên gia, nên chăng các hãng bay nên chủ động đàm phán với các ngân hàng, tự thỏa thuận gói vay, lãi suất bao nhiêu, vướng đâu thì kiến nghị Chính phủ đó. "Nếu các hãng muốn được giống Vietnam Airline là rất khó", một chuyên gia cho biết.
Các doanh nghiệp hàng không tư nhân trong nước ra đời trong những năm vừa qua đã tạo nên những bước phát triển mới cho ngành hàng không nước nhà, hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, đặc biệt đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng, giúp người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Thiết nghĩ, dẫu "con đẻ" hay "con nuôi" thì sự đóng góp của mỗi hãng hàng không cho nền kinh tế nước nhà cũng đáng ghi nhận, vì vậy, nếu có sự phân biệt đối xử giữa họ là điều vô cùng đáng tiếc.
Còn người dân, đương nhiên họ sẽ tìm tấm vé nào rẻ hơn để đi. Thậm chí có những người chỉ biết đến máy bay khi các hãng hành không tư nhân ra đời. Đó là điều thành công lớn lao mà các hãng hàng không này mang lại cho đất nước trong những năm vừa qua.