Cần giải pháp cấp bách về vốn để 'trợ thở' cho hàng không Việt
(DNTO) - Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay 'đắp chiếu', hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ..., cho thấy ngành hàng không đang thực sự là những 'bệnh nhân nặng cần trợ thở'.
'Hấp hối' vì Covid-19
Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, với ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.
Nhiều hãng hàng không tiếp tục đối mặt với nguy cơ phá sản dù Chính Phủ đã tung ra các gói cứu trợ. Cụ thể, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự báo quý I/2021 lỗ khoảng 4.800 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm số lỗ có thể lên tới 10.000 tỷ đồng.
Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020, tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021... Ước tính Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về thực trạng này, tại tọa đàm "Giải pháp cấp bách về vốn: Giữ cánh hàng không Việt", diễn ra sáng nay 2/8, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, trải qua 4 đợt dịch khiến ngành hàng không đã khó càng thêm khó, dù rằng hàng loạt những chính sách về miễn giảm thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai nhằm hỗ trợ các hãng bay có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.
"Dù mới đây hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn, tuy nhiên khó khăn vẫn đang bám đuổi. Hai hãng hàng không tư nhân VietJet và Bamboo đều chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào và đang trong tình trạng rất kiệt quệ", ông Hùng nói.
Thống kê về những tác động tiêu cực của đại dịch với ngành hàng không, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020; vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020...
Còn theo PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đang bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc.
“Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết.
Giải pháp để 'giữ cánh' cho hàng không Việt
Các chuyên gia nhận định, hiện nay mức thu giá điều hành bay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ phải bỏ ra. Việc này tác động nặng nề đến khả năng tích lũy và cân đối vốn cho các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, người lao động bị giảm thu nhập trong thời gian dài cũng khiến doanh nghiệp đối mặt thêm với nguy cơ thiếu kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật và nhân viên thông báo tin tức hàng không…, khiến ngành bay trong tình trạng 'ngàn cân treo sợi tóc'.
Trên cơ sở đó, việc tìm giải pháp hỗ trợ cho hàng không Việt được xem là một vấn đề hết sức cấp thiết đối với các hãng hàng không Việt Nam hiện nay nhằm đảm bảo khả năng phục hồi, sẵn sàng 'cất cánh' khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
TS. Bùi Doãn Nề, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như: Áp dụng “hộ chiếu vaccine”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine; có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
"Việc Chính phủ cố gắng hoàn thành việc tiêm vaccine cho 70% dân số vào cuối năm, sẽ giúp thúc đẩy du lịch và giúp các hãng hàng không cải thiện kết quả lợi nhuận", TS. Bùi Doãn Nề chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần....
Cũng theo ông Nề, điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất thấp, tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.
"Giải pháp quan trọng nhất thời điểm này được cho là tiền. Hàng không phải có tiền để trang trải các chi phí trước sức ép rất lớn của các chủ nợ; tái cơ cấu được các khoản nợ; tái cơ cấu hoạt động để tiết giảm chi phí. Về lâu dài thì phải bay được, vì hãng vận chuyển phải bay được mới sống được", TS. Bùi Doãn Nề chia sẻ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
“Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân. Cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại, thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Về phần mình, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cần phải tổng hợp, đánh giá đúng sự cần thiết, cũng như vai trò vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng không, để thấy được ngành hàng không xứng đáng nhận sự hỗ trợ này.
Để giải cứu ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Mặt khác những giải pháp đã đề ra trước đó cũng cần phải rút ngắn thủ tục để triển khai nhanh, khi đó mới phát huy tác dụng.
"Vấn đề ở đây là cơ chế. Làm sao tạo ra cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy mới có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân", ông Hùng nêu quan điểm.