Khó khăn chồng chất, cổ phiếu của Vietnam Airlines trước nguy cơ bị hủy niêm yết
(DNTO) - Bão Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trở nên u ám hơn, mã cổ phiếu HVN đứng trước nhiều khó khăn khi mà nguy cơ âm vốn đang cận kề.
Nghị định 55/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, tại điểm e điều 120 nêu rõ, doanh nghiệp phải hủy bỏ niêm yết bắt buộc, nếu "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý 1 năm nay mà Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – mã chứng khoán HVN) vừa công bố, tính đến 31/3/2021, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ lũy kế là 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ của công ty này là 14.182 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm 83% từ 6.072 tỷ đồng cuối năm ngoái xuống chỉ còn 1.031 tỷ đồng.
Như vậy có thể nói, HVN đang đứng trước khá nhiều khó khăn nếu thời gian tới tình hình không được sớm cải thiện.
Báo cáo quý 1 của công ty cho hay, lợi nhuận sau thuế tụt dốc ở mức - 4.890 tỷ đồng, mức lỗ này tăng 89% so với mức lỗ -2.589 tỷ đồng của quý 4 năm ngoái.
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 57,7 lần.
Cũng trong quý 1, Vietnam Airlines ghi nhận tài sản ngắn hạn ở mức 7.862 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức hơn 2.076 tỷ đồng. Trong khi đó khoản nợ ngắn hạn của hãng lên tới 37.027 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại gần 12.693 ngàn tỷ đồng. Do đó, hãng sẽ phải chịu áp lực thanh khoản khổng lồ trong ngắn hạn. Đây quả là một khó khăn không nhỏ khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn phía trước.
Nhận xét về sự phát triển của Vietnam Airlines trong thời gian tới, Công ty kiểm toán Deloitte Vietnam cho biết: "Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Việt Nam và việc gia hạn thanh toán khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến Covid-19”.
Tháng 4 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có quyết định về việc đưa cổ phiếu HVN diện cảnh báo, lý do HOSE đưa ra là công ty có lợi nhuận chưa phân phối - 9.328 tỷ đồng. Quyết định đã khiến HVN ít nhiều bị ảnh hưởng.
Giải trình về khoản lỗ lớn này, Vietnam Airlines cho biết, nguyên nhân là sự bùng phát dịch Covid-19, khiến sản lượng vận chuyển giảm 45%, doanh thu vận tải hàng không giảm 61% so với kế hoạch trước khi có dịch.
Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn các tổ chức tín dụng sau khi các tổ chức này cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tổng số tiền tối đa là 4.000 tỉ đồng, lãi suất 0% và phải thực hiện trước ngày 31/12/2021.
Hy vọng với sự ưu ái từ phía nhà nước, Vietnam Airlines sẽ sớm vượt qua khó khăn và thách thức trong giai đoạn này.
Năm ngoái, Vietnam Airlines đã kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19. Cuối tháng 11-2020, Quốc hội đồng ý cho phép Vietnam Airlines được tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần. Đồng thời, cho phép hãng này chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.