Chứng khoán 'nhạy' với các thông tin vĩ mô tháng 6?
(DNTO) - Những thông tin về tình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm vừa được công bố đã khiến thị trường nhanh chóng đánh mất sắc xanh. Tuy nhiên, kết quả trên có thể đã ngấm vào thị trường, áp lực sẽ không còn căng thẳng trong thời gian tới.
Bất ngờ giảm mạnh
Những số liệu vĩ mô tháng 6 vừa công bố với những tín hiệu không mấy tích cực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thị trường chung.
GDP quý 2 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2 năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023; theo đó 6 tháng đầu năm, GDP cũng chỉ tăng 3,72%, cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn này. Điều này cho thấy, tăng trưởng GDP gần mức thấp nhất trong 13 năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng nhẹ 0,27% so với tháng trước, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát khi tháng 6 chỉ tăng 0,24% so với tháng trước, góp phần tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ và tài khoá của Chính phủ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt hơn 3.016 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%). Một tín hiệu đáng mừng khi sức cầu của nền kinh tế vẫn được duy trì tốt.
Sau khi tăng nhẹ vào đầu phiên sáng, thị trường bắt đầu xu hướng đi xuống và giảm mạnh vào cuối phiên. Lực bán phủ rộng, trong khi cầu thị trường suy yếu, dòng tiền bắt đáy mỏng khiến chỉ số lao dốc. VN-Index trở lại thời điểm của một tuần trước đây.
Phiên điều chỉnh hôm nay, ngày 29/6, cho thấy động thái khớp lệnh chốt lời của nhà đầu tư khá rõ nét, sau thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, lực mua yếu lại cho thấy nhà đầu tư ngại ngần giải ngân, đứng ngoài quan sát thị trường.
Dù vậy, sau chuỗi ngày dài tăng điểm, việc thị trường điều chỉnh cũng là cần thiết.
Có nên lo lắng?
Thực tế, sáu tháng đầu năm nay là một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Chính phủ đã phải thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ đồng bộ như quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn vướng mắc về trái phiếu, nguồn vốn cho doanh nghiệp; kéo giảm mặt bằng lãi suất...
Các kết quả vĩ mô trên đã nằm trong dự báo của nhiều nhà phân tích. Kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục và cần thời gian hơn nữa để có thể quay trở lại. Tuy nhiên xét trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, thành quả trên cũng là điều đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, sáng lập FinPeace cho biết, trước mỗi thông tin đưa ra, nhà đầu tư cần quan sát thông tin ấy đã ngấm vào thị trường hay chưa, từ đó mới đánh giá được tác động với thị trường ở giai đoạn kế tiếp.
"Những thông tin vĩ mô 6 tháng đầu năm đã ngấm vào thị trường thời gian qua", ông nhận định.
Nhà đầu tư nên chọn lọc các thông tin phù hợp để có thể áp dụng cho chiến lược đầu tư của mình. "Nên để ý thông tin như mua sắm doanh nghiệp, các chính sách có thể kích hoạt tiêu dùng và sản suất nội địa", ông cho biết.
Kỳ vọng thị trường sẽ dành cho quý 3 năm nay. Những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ được dự báo sẽ kích hoạt nền kinh tế trở dậy khi các chính sách đã có đủ thời gian thẩm thấu.
VN-Index đang bước vào ngưỡng kháng cự. Theo dự báo của ông Nguyễn Tuấn Anh, thị trường dự báo sẽ bước vào nhịp điều chỉnh ngắn, khoảng 2, 3 tuần, và có thể nhanh hơn 1 tuần rưỡi hai tuần, trước khi bước vào một giai đoạn mới.