Chứng khoán năm 2022 không thể bùng nổ nhưng vẫn có những điểm sáng
(DNTO) - Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN, mặc dù thị trường chứng khoán năm 2022 không thể bùng nổ như năm 2021, nhưng vẫn có một vài điểm sáng như khối ngoại mua ròng trở lại, được hỗ trợ bởi một số yếu tố vĩ mô, hoạt động kinh tế được khôi phục.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư trong nước
Bà Bình cho biết, trong quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực. Bà Bình nhận định, thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian tới.
"Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường, đặc biệt là siết chặt công tác giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK", bà Bình cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang gấp rút trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 để việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát hành trái phiếu riêng lẻ để thị trường tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. UBCKNN cũng đã xây dựng thông tư để có hạ tầng giao dịch thị trường trái phiếu thứ cấp. Hy vọng khi thị trường thứ cấp được mở rộng sẽ tạo sân chơi minh bạch cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Từ nay đến cuối năm, UBCKNN sẽ khẩn trương đưa hệ thống KRX vào vận hàn, đảm bảo giao dịch trên thị trường trơn tru, không có hiện tượng nghẽn. Dự kiến trong tháng 8 nhà đầu tư sẽ có thể giao dịch cổ phiếu lô lẻ.
Về dài hạn, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp; hướng tới việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất.
Mức độ băn khoăn của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán ngày càng lớn
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết: “Một điểm băn khoăn lớn hiện nay là TTCK đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm, trong đó chỉ số VN-Index giảm khoảng 20% còn chỉ số HNX giảm khoảng 40%. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy mức độ băn khoăn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này ngày càng lớn. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên…”.
Theo ông Lực, các tác động của thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới TTCK Việt Nam, nhất là chiến tranh Nga - Ukraine và chính sách tài khóa tiền tệ của các nước khi thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng và tăng lãi suất.
Điều này tác động tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn. Đặc biệt, hành vi của nhà đầu tư cũng thay đổi khi bắt đầu tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn, thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, theo TS Lực, trong khó khăn, thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua các thách thức cần lưu tâm trên thị trường, như các rủi ro từ bên ngoài, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán hay câu chuyện cho vay ký quỹ, cùng các chính sách lành mạnh hóa của cơ quan quản lý...