Chứng khoán chờ nâng hạng
(DNTO) - Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán; hoạt động công bố thông tin... vừa được Bộ Tài chính ban hành được đánh giá góp phần tháo gỡ nút thắt quan trọng, tạo đà cho sự nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tiến tới hoàn thiện các tiêu chí đánh giá
Theo đề bài của Chính phủ đưa ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải triển khai các biện pháp, giải quyết các vướng mắc để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025, theo tinh thần “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện” như Thủ tướng đã phát biểu trong một cuộc họp vào tháng 2 vừa qua.
Hiện tại, với ba tổ chức xếp hạng lớn của thế giới MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones thì MSCI và FTSE Russell được xem là phù hợp với Việt Nam. Dù vậy, thống kê cho thấy, nếu với MSCI thì chứng khoán trong nước còn 9 tiêu chí chưa đạt được. Trong khi đó, với FTSE Russell, chúng ta chỉ còn thiếu hai tiêu chí, trong đó chủ yếu là tiêu chí Chuyển giao đối ứng thanh toán, tức là nhà đầu tư cần có tiền khi đặt lệnh giao dịch thay vì chỉ cần có tiền khi thực hiện giao dịch.
Với dự thảo vừa công bố của Bộ Tài chính có thể thấy, vấn đề này được đặc biệt chú trọng. Theo đó, bộ này đề xuất, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể không cần đủ 100% tiền trước thời điểm đặt lệnh mua chứng khoán. Số tiền chỉ cần đủ vào thời điểm xác nhận kết quả giao dịch và nghĩa vụ thanh toán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Trong trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán được chuyển sang công ty chứng khoán. "Công ty chứng khoán thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình. Chênh lệch phát sinh từ việc xử lý cho trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa công ty chứng khoán và khách hàng", dự thảo nêu rõ.
Như vậy, có thể thấy, thị trường chứng khoán đã mở cửa rộng với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, lực lượng chiếm trên 90% giá trị giao dịch của khối ngoại. Những nút thắt trong quá trình nâng hạng từng bước dần được tháo gỡ. Qua đây cũng thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc nâng chất cho thị trường để thực hiện mục tiêu nâng hạng.
Năm 2023, dòng vốn ngoại đã rút mạnh tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, dòng vốn này bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại khi giá trị mua ròng đạt trên 2 ngàn tỷ đồng trên HoSE. Nếu thị trường sớm đạt mục tiêu nâng hạng, hoạt động minh bạch, bài bản, điều khá chắc chắn sẽ hút dòng vốn ngoại vốn còn e dè với chứng khoán trong nước.
Bao giờ được nâng hạng?
Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống chính sách, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, mang ý nghĩa tiên quyết.
"Hệ thống KRX được đưa vào vận hành sẽ là bước tiến quan trọng cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Hệ thống KRX là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm, Central Clearing Counterparty (CCP) và từ đó, giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc lên hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch", Công ty VFS nhận định.
Tuy nhiên, hiện tại KRX vẫn chưa được vận hành hoàn thiện dù đã trễ so kế hoạch đưa ra trước đó. Nhiều dự báo cho rằng phải hết quý 1/2024 mới có thể đưa vào vận hành trơn tru.
"Khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là khả thi trong kỳ xem xét nâng hạng của FTSE vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 khi hệ thống KRX được hoàn thiện, đưa vào vận hành", VFS dự báo.
Trong khi đó, theo Công ty BSC, FTSE sẽ có kỳ đánh giá từ tháng 3 và đến tháng 9 năm nay. Nếu việc xem xét nâng hạng thành công, khả năng đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, BSC lưu ý các vấn đề liên quan như thực tế triển khai hệ thống KRX; các ưu tiên chính sách giải quyết các vấn đề còn vướng mắc; diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường, trong đó có động thái mua ròng các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí của khối ngoại.
Ngay khi có thông tin Bộ Tài chính đưa ra dự thảo bổ sung một số điều với một số thông tư quy định về giao dịch trên thị trường chứng khoán, thị trường đã có một phiên giao dịch tích cực. Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 16 điểm, thanh khoản đạt hơn 33 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, tăng mạnh so với con số 25 ngàn tỷ đồng so với phiên liền trước. Đà tăng điểm lan rộng ra nhiều nhóm ngành và nhiều cổ phiếu.
Như vậy có thể nói, sự hào hứng của nhà đầu tư đã bao phủ toàn thị trường với thông tin mới liên quan đến việc nâng hạng của thị trường. Niềm tin của nhà đầu tư sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước. Kết quả nâng hạng còn chờ thêm thời gian, tuy nhiên nếu điều này thành hiện thực sẽ là bước tiến quan trọng tạo đà để chứng khoán Việt Nam tham gia xếp hạng tại MSCI.