Chủ tịch SVF: ‘Tôi từng suốt ngày lấy đạo lý để phê phán người khác’
(DNTO) - Là người từng trải qua nhiều vị trí cấp cao ở các doanh nghiệp, tổ chức, ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Startup Vietnam Foundation, nhận ra rằng trí tuệ cần được xây đắp bằng sự hồn nhiên chứ không phải những suy nghĩ phức tạp.
Doanh nhân Phạm Duy Hiếu từng được biết đến là vị lãnh đạo trẻ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi trở thành CEO của VietABank và sau đó là ABBANK ở tuổi 34. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, ngoài những kinh nghiệm về kinh doanh, ông Phạm Duy Hiếu đã rút ra nhiều bài học quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn để trở thành những người lãnh đạo tích cực.
Hiện ông Phạm Duy Hiếu đang là Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation, viết tắt là SVF). Đây là quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.
Tâm trí phức tạp sẽ hủy diệt trí tuệ
Chia sẻ về hành trình nuôi dưỡng tâm hồn mình, ông Hiếu bắt đầu bằng một câu chuyện.
Có một vị tiểu hòa thượng thường hay than phiền về mọi thứ. Một ngày, sư phụ của tiểu hòa thượng gọi chú đến, bảo chú nếm chén nước pha muối và nói rằng: “Tâm hồn của con giống như chén nước, chỉ cho một nhúm muối là nó sẽ mặn. Nhưng một ngày, tâm hồn con mở ra như một hồ nước trong xanh, thì một nhúm muối hay nhiều hơn nữa thì hồ nước vẫn mát lành”.
Giây phút đó chú tiểu ngộ ra, nếu chuyện gì cũng cảm thấy khó chịu, lo lắng, sợ hãi hay phán xét thì tâm hồn chỉ như chén nước. Ngược lại, khi tâm hồn mỗi ngày mở rộng thì tất cả mọi thứ khi ném vào, dù chỉ xao động một chút nhưng sau đó ngay lập tức vẫn trở về tĩnh lặng.
Ông Hiếu cho biết, mình cũng từng trải qua thời điểm rất tâm đắc với các đạo lý, suốt ngày lấy đạo lý ra để nói và dạy dỗ cho người khác và kết luận rằng người này đúng hay sai đạo lý. Một ngày, chính ông phát hiện ra chính việc mình nói đạo lý và mang đạo lý ấy ra làm tiêu chuẩn làm cho tâm hồn của ông chỉ là “một chén nước”.
“Cứ người nào làm không đúng ý mình là mình cảm thấy khó chịu, không thoải mái và nghĩ rằng họ chẳng tốt đẹp gì. Ai là người phải ôm cảm xúc tiêu cực đó, chính là tôi. Mặc dù tôi mê những đạo lý nhưng đó chỉ là những suy nghĩ trong đầu chứ không phải cách sống của mình. Thậm chí, tâm trí còn ranh ma đến mức lấy những thứ đó để giới hạn chữ tâm của mình. Cho nên tâm hồn là một phạm trù rất khác so với những hiểu biết của mình”, ông Hiếu nói.
Vị doanh nhân cũng chia sẻ, ông rất hâm mộ Hòa thượng Viên Minh, và đây cũng là người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của ông giai đoạn sau này. Thầy Viên Minh có nói một câu khiến vị doanh nhân thức tỉnh và nhận ra rằng “hồ nước trong xanh” không liên quan đến sự hiểu biết: “Chính tâm trí phức tạp mà ta tưởng đó là sự uyên bác, mới là thứ hủy diệt trí tuệ. Trí tuệ hồn nhiên, yêu đời như một đứa trẻ”.
Lão Tử cũng nói rằng, càng hiểu biết thì càng sử dụng những hiểu biết của mình để phán xét người đời, mà không hề biết rằng trong quá trình phán xét, mình đã giới hạn bản thân mình, mất đi sự bình an, bao dung của mình và thu hẹp cuộc sống của mình.
"Vì vậy hãy để tâm hồn mình giống như đứa trẻ, an nhiên khám phá cuộc sống này thì nó luôn luôn được rộng mở", Chủ tịch SVF chia sẻ.
Kí hợp đồng bằng… trái tim
Vị Chủ tịch Quỹ SVF cũng nêu ví dụ thực tế khi ông đối diện với việc nhân viên đồng loạt nghỉ việc. Thực tế, đây là một tình huống không như ý, nhưng nếu lãnh đạo trong tâm thế đối diện và đón nhận, cách hành xử sẽ khác.
“Tôi thường nói với các nhân viên rời công ty: ‘Anh cảm ơn em vì những ngày tháng em đóng góp cho công ty thời gian qua. Anh và các bạn rất yêu mến em và chắc hẳn mọi người sẽ nhớ em khi em rời đi. Nhưng anh tin em đã có cân nhắc và lựa chọn của riêng mình. Anh chúc em thành công trên hành trình mới, có thể em sẽ gặp nhiều người giỏi hơn, nhưng nhớ quay về đây nhé’.
Ngay sáng hôm sau, chúng tôi tổ chức một cuộc gặp gỡ nhỏ, mọi người ôm nhau và mua quà tặng nhau. Nếu không phải tôi và công ty đón nhận việc nhân viên nghỉ việc, chắc chắn sẽ có những tâm trạng giận giữ, phán xét nhau”, ông Hiếu nói.
Để nuôi dưỡng tâm hồn như một “hồ nước trong xanh, ông Phạm Duy Hiếu gợi ý mọi người nên đặt ra nguyên tắc “7 ngày trồng hoa”, tức liên tục trao đi yêu thương với người thân, bạn bè, đối tác, đồng nghiệp…
“Khi tôi còn giữ chức vụ tổng giám đốc của một ngân hàng, tôi là người bán hàng có doanh số tốt nhất dù đó không phải nhân viên bán hàng. Bí quyết là mỗi khi gặp khách hàng, tôi lại “trồng hoa”, tức lan tỏa “hồ nước mát lành” của mình đến với mọi người. Từ đó tôi ngẫu nhiên kết nối với khách hàng của mình và hiện diện cùng với họ. Lúc đó tôi nhận ra rằng bao nhiêu chiêu thức dạy bán hàng chỉ là kỹ thuật bên ngoài. Trong lúc 2 chúng ta tương tác với nhau, 2 trái tim đã kết nối với nhau và kí hợp đồng trước đó rồi”, ông Hiếu nói.