Chow Shing Yuk - Tay chơi bài poker thành tỷ phú
(DNTO) - Thành công của tỷ phú Chow Shing Yuk là một câu chuyện hiếm hoi trong giới khởi nghiệp tại Singapore. Đó là một sự kết hợp lạ thường giữa sự nghiệp chơi bài poker chuyên nghiệp, kiến thức kinh doanh từ Stanford, và sự kiên trì trong kinh doanh.
Trong vòng một thập kỷ qua, Chow Shing Yuk, 44 tuổi, đã đeo đuổi việc gầy dựng công ty Lalamove thành một đối trọng trong ngành vận chuyển hậu cần ở Hồng Kông, với sự hậu thuẫn bởi những tên tuổi đầu tư lớn như Neil Shen (Sequoia China) và Lei Zhang (Hillhouse Capital).
Tháng 12/2022, Chow Shing Yuk đã bán 2,17 triệu cổ phiếu cho hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc, Tencent, với cái giá 100 triệu đô la, định giá Lalatech ở mức 7,8 tỷ đô la.
Lalatech IPO
Vào ngày 28/3 vừa qua, công ty của Chow - Lalatech Holdings đã chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán của Hồng Kông, hé lộ ông sở hữu 25% cổ phần thông qua quỹ uỷ thác gia đình. Tính toán giá trị cổ phiếu, Forbes liệt kê tổng giá trị tài sản của Chow Shing Yuk lên đến 2,2 tỷ đô la, biến ông thành một tỷ phú hiếm hoi trong giới khởi nghiệp ở Hồng Kông.
Đợt góp vốn tư nhân Series G trước đó của Lalatech đã đạt 230 triệu đô la vào hồi tháng 11/2021, trong thời điểm “bong bóng startup” đang nổi lên. Theo báo cáo của trang thông tin công nghệ Information, đợt góp vốn đã đặt mức giá khá hư ảo là 13 tỷ đô la cho Lalatech.
Kể từ lúc đó, nhiều hãng startup đã lặn tăm bặt tiếng do môi trường lãi suất cho vay cao ngất ngưởng và lo ngại suy thoái kinh tế. Đợt IPO năm nay hé lộ vào tháng 12/2022, Chow Shing Yuk đã bán 2,17 triệu cổ phiếu cho hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc, Tencent, với cái giá 100 triệu đô la, định giá Lalatech ở mức 7,8 tỷ đô la.
Hãng chuyên dịch vụ hậu cần này đã đăng ký lên sàn chứng khoán Hồng Kông hai năm sau khi có tin họ đang chuẩn bị làm đợt IPO tại Mỹ, với dự định góp hơn 1 tỷ đô la vốn đầu tư - theo Bloomberg. Lalatech đã quay lưng với kế hoạch lên sàn giao dịch Mỹ, có lẽ do lo ngại của giới đầu tư Hoa Kỳ về áp lực từ chính quyền Trung Quốc lên các công ty công nghệ.
Danh sách các nhà đầu tư của Lalatech khá là đồ sộ. Bên cạnh Sequoia China, Hillhouse và Tencent, còn phải kể đến công ty bảo hiểm nhân thọ châu Á FWD Group của tỷ phú Richard Li, C Capital của ông trùm bất động sản Adrian Cheng, Gaw Capital Partners của nhà đầu tư bất động sản Goodwin Gaw, Shunwei Capital của nhà đồng sáng lập Xiaomi, Lei Jun - hãng dịch vụ giao thực phẩm Trung Quốc, Meituan - quỹ phòng hộ D1 Capital Partners của tỷ phú Daniel Sundheim và Boyu Capital - một công ty cổ phần tư nhân được thành lập bởi cháu của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Từ tay chơi poker trở thành CEO
Chow Shing Yuk, đóng vai trò là chủ tịch hội đồng quản trị và CEO, đã sáng lập Lalatech vào 2013, với mục đích số hóa quá trình đặt dịch vụ vận chuyển hàng hóa, vốn thường phải thông qua một tổng đài hỗ trợ. Ứng dụng điện thoại của công ty giúp kết nối người dùng và các doanh nghiệp bằng một hệ thống nhân viên vận chuyển các mặt hàng từ thực phẩm hàng ngày, đến đồ nội thất, thậm chí cả thú cưng.
Khởi đầu của Chow khá là thú vị. Ông được sinh ra tại Trung Hoa đại lục và lớn lên trong một căn nhà gỗ đổ nát ở Hồng Kông. Thành tích học tập với điểm thi phổ thông cao đã giúp Chow nhận học bổng tại Mỹ, nơi ông lấy bằng thạc sĩ chuyên khoa Kinh tế học. Sau khi lấy bằng cử nhân ở Stanford, ông làm việc với vai trò cố vấn tại Bain & Co. ở Hồng Kông.
Chow có thú vui chơi bài poker qua mạng, và quyết định thử chơi chuyên nghiệp. Trong sự nghiệp chơi bài poker chuyên nghiệp đó, Chow đã kiếm được 3,8 triệu đô la. Bức xúc với thực trạng chậm chạp của các dịch vụ vận chuyển sử dụng tổng đài hỗ trợ, ông sử dụng số vốn từ chơi bài Poker để sáng lập Lalatech (ban đầu lấy tên EasyVan) cùng với hai đồng sáng lập Gary Hui và Matthew Tam.
Trong nửa đầu năm 2022, họ đã là công ty có số lượng giao dịch (theo tổng giá trị) lớn nhất trên thế giới, với thị phần 43,5%.
Mạng lưới phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Lalatech hoạt động dưới tên thương hiệu Lalamove ở Hồng Kông, các thị trường Đông Nam Á và lấy tên Huolala ở Trung Quốc. Ban đầu công ty này tung ra dịch vụ ở thị trường Hồng Kông vào 2013 và dần mở rộng ra Trung Hoa đại lục một năm sau đó. Hiện tại họ đang tập trung phát triển ở các thị trường đang lên như Đông Nam Á và châu Mỹ Latin, với kế hoạch đi vào vùng Trung Đông trong các năm tới.
Trong bản báo cáo IPO của họ, Lalatech hé lộ trong nửa đầu năm 2022, họ đã là công ty có số lượng giao dịch (theo tổng giá trị) lớn nhất trên thế giới, với thị phần 43,5%, trích dẫn dữ liệu từ Frost & Sullivan. Đây là con số lớn gấp 3,5 lần so với vị trí thứ hai, Uber Freight, nhánh vận chuyển hàng hóa của hãng chia sẻ phương tiện Mỹ.
Cũng trong cùng bản báo cáo, hãng này đã có thể giảm thiểu mức lỗ ròng khoảng 96% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 93 triệu đô la. Trong cùng thời gian đó, Lalatech đã đẩy doanh thu lên 23%, khoảng 1 tỷ đô la, với 90% đến từ thị trường Trung Quốc.
Lalatech cho biết thành công của họ là nhờ vào quá trình nhiều năm gầy dựng đội ngũ nhân viên vận chuyển và một mạng lưới thương nhân. Cho tới cuối năm 2022, Lalatech đã có hơn 7 triệu người đăng ký trở thành người vận chuyển và hơn 11 triệu thương nhân sử dụng nền tảng của họ ít nhất một lần trong một tháng.
Lalatech chú trọng vào phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vận chuyển hàng hóa trong khu vực nội thành. Mạng lưới của Lalatech cho phép công ty tạo thêm thu nhập từ phí thành viên và hoa hồng từ người đăng ký vận chuyển.
Công ty có trụ sở tại Hồng Kông này đã có mặt tại 400 thành phố của 11 thị trường khác nhau, bao gồm Bangladesh, Brazil, Indonesia, Malaysia, Mexico, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Riêng tại nước ta, năm 2022 Lalamove đã có 100.000 người đăng ký vận chuyển và 20.000 đối tác thương nhân.