Startups tại ASEAN biến rác thải thành sản phẩm tiêu dùng - Kỳ 1: Bài toán rác thải nhựa
(DNTO) - Mười quốc gia trong khối ASEAN đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa vô cùng nhức nhối. Đã có nhiều doanh nghiệp non trẻ nổi lên để giải quyết bài toán này.
Bao bì nhựa ngổn ngang trên các bờ sông, bờ biển, đôi khi làm nghẽn mạch nguồn nước; rác rến tràn lan khắp các ngả đường và những bãi rác khổng lồ ngày đêm đốt khói nghi ngút - đó là những cảnh tượng quen thuộc với người dân Đông Nam Á.
Ước mơ tái chế
Tình trạng đó ám ảnh Syukriyatun Niamah, từng trải qua tuổi thơ được người bố khuyến khích khám phá vẻ đẹp của Indonesia bằng các chuyến leo núi cắm trại. Nay ở tuổi 28, cô thành lập Robries, một công ty khởi nghiệp nhắm tới mục tiêu biến rác thải thành sản phẩm nội thất hay vật dụng trong nhà, thay vì để chúng gây ô nhiễm trên biển.
Syukriyatun Niamah nói: “Indonesia là một đất nước xinh đẹp, nhưng vẫn còn có quá nhiều rác thải trong môi trường”.
Nữ doanh nhân trẻ đến từ Indonesia này đã theo học ngành thiết kế sản phẩm trước khi thành lập công ty startup vào năm 2018. Ứng dụng kỹ năng sẵn có, cô đã tìm tòi, thí nghiệm với các quá trình tái chế, chuyển đổi rác thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích.
Catalog trên trang web của Công ty Robries bao gồm bàn ghế, bình vại, khay, đồng hồ... với nhiều màu sắc phong phú và thiết kế đẹp mắt.
Một chiếc ghế được làm hoàn toàn bằng rác thải tái chế có giá 626,000 rupiah (tương đương 978,000 VND). Còn một bộ 4 cái lót ly được bán với giá 150,000 rupiah (234,000 VND).
“Chúng tôi cũng đang tìm cách đi vào thị trường quốc tế”, Niamah cho biết. “Sắp tới, chúng tôi sẽ mang các sản phẩm này đi khắp Indonesia để giúp giáo dục ý thức người dân, khuyến khích nhiều người hơn nữa tham gia phong trào sống không rác thải”.
Bằng cách đưa ra một cái nhìn mới cho rác thải nhựa, tôi mong có thể thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mọi người về thói quen tiêu dùng
Syukriyatun Niamah
Công ty non trẻ này đang tìm kiếm đợt góp vốn Series B có giá trị 250,000 đô la. Họ đã có thể tái chế 4 loại nhựa rác thải, bao gồm polypropylene, polyethylene mật độ cao, polyethylene mật độ thấp và polystyrene chịu lực cao.
“Chúng tôi dự tính sẽ mở rộng khả năng tái chế hơn nữa, với hệ thống tân tiến và cơ chế hiệu quả hơn”, Niamah nói. “Bằng cách đưa ra một cái nhìn mới cho rác thải nhựa, tôi mong có thể thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mọi người về thói quen tiêu dùng”.
Bài toán rác thải nhựa
Nhựa vẫn còn là một vấn đề lớn tại Đông Nam Á, nơi các loại đồ uống từ cà phê đến trà thường được bán trong ly nhựa, trong khi các hàng quán lề đường sử dụng bao bì nhựa dùng một lần cho các món ăn mang về.
Tuy nhiều nơi đang có nỗ lực thay đổi sang ống hút giấy, muỗng đũa gỗ hay các bao bì phân hủy sinh học, nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết hoàn toàn sự dựa dẫm vào nhựa.
Vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn nữa trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi các dịch vụ vận chuyển thực phẩm trở nên vô cùng phổ biến.
“So với những nơi khác trên thế giới, Nam và Đông Nam Á chuộng nhựa dùng một lần hơn bởi tính chất tiện dụng và rẻ tiền của chúng”, theo Prak Kodali, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của pFibre, có trụ sở tại Singapore.
Công ty của ông chú trọng vào việc sử dụng nguyên liệu từ các loại thực vật biển để sản xuất các sản phẩm bao bì, vật chứa có tính chất tương tự như nhựa nhưng có thể phân hủy sinh học.
Những doanh nghiệp thân thiện với môi trường tại ASEAN đang tìm cách thúc đẩy “nền kinh tế tuần hoàn”. Họ tìm cách giảm thiểu hay loại bỏ rác thải từ con người, giữa bối cảnh chính quyền và các doanh nghiệp tại châu Á đang phải ứng phó với tình trạng đáng báo động của thay đổi khí hậu.
“Chúng tôi đang tìm cách thay thế các loại nhựa mỏng bằng các vật liệu có thể phân huỷ sinh học hoàn toàn mà không cần phải đi qua cơ sở xử lý công nghiệp, và không thải ra các loại khí độc hại trong quá trình phân huỷ”, Kodali cho biết.
Kỳ 2: Hy vọng giải cứu biển cả