Chống dịch Covid-19: Duy trì sản xuất bền vững cũng chính là duy trì tính mạng con người
(DNTO) - Nguồn lực có hạn, chúng ta không thể đáp ứng mãi theo kiểu "phong toả", ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh... gây đứt gãy chuối cung ứng, đến một lúc nào đó sẽ kiệt quệ.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang tấn công vào cả bốn vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ). Đến ngày 19/9/2021, hơn 92 phần trăm của tổng số ca mắc và 97 phần trăm của tổng số ca tử vong thuộc các vùng KTTĐ.
Riêng vùng KTTĐ Nam Bộ đã gặp khủng hoảng y tế với hơn 16.000 ca tử vong, tương đương hơn 7 ca tử vong trên 10.000 dân.
Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long dù có số ca nhiễm trên 10.000 dân thấp hơn nhiều so với vùng KTTĐ Nam Bộ (21,9 so với 278) nhưng diễn biễn dịch không có dấu hiệu thuyên giảm.
May mắn là hai vùng KTTĐ Bắc Bộ và Trung Bộ đang kiểm soát được dịch bệnh. Tỷ số ca nhiễm COVID-19 tích lũy trên 10.000 dân là 4,9 ở vùng KTTĐ Bắc Bộ và 13,9 ở vùng KTTĐ KTTĐ Trung Bộ.
Trước diễn biến dịch và câu chuyện kinh tế đang đình trệ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì nhiều cuộc họp liên ngành, với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong sản xuất kinh doanh. Đến hôm nay (20/9), nhiều địa phương đã thay đổi cách thức chống dich, mở đường cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): “Không chống được dịch thì chết, không làm được kinh tế cũng chết. Bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch, đó là phải có giải pháp, và giải pháp này sẽ có. Mỗi địa phương, quốc gia có giải pháp khác nhau, nó liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh hiện nay, để chúng ta ứng xử thế nào trong mỗi môi trường, doanh nghiệp sao cho phù hợp, khoa học”.
TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý thêm là phải nhận thức rõ, virus lây lan qua hình thức giọt bắn, qua tiếp xúc giữa người với người chứ nó không tự bay từ xí nghiệp này sang xí nghiệp khác. Sống chung với COVID 19 chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm túc 5K.
Làm thế nào để chung sống với dịch, bình thường mới thì phải đưa vaccine vào bằng những cách khác nhau. Cách làm của Hà Nội khác với TP. HCM và Bình Dương. Chúng ta chưa tiêm được vaccine cho đủ 70% dân số nên chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng, nhưng phải có giải pháp để những người đã tiêm đủ vaccine được đi lại, làm ăn sinh sống bình thường và chúng ta cũng không phải phong toả, không phải giãn cách. “Thế nhưng phải có qui định người tiêm đủ vaccine đến những vùng khác, nơi khác thì như thế nào, bởi vì anh vẫn có khả năng nhiễm bệnh và có thể lây cho người khác, có thể gây bùng phát dịch ở nơi đó. Và cũng cần có qui định với những người ở nơi khác đến vùng đã tiêm vaccine như thế nào”- TS Trần Đắc Phu lưu ý thêm.
Chia sẻ về lựa chọn phương án “sống chung với COVID 19”, PGS. TS Nguyễn Viết Lượng – Chính uỷ Học viện Quân y cũng thẳng thắn nhìn nhận về những sai lầm trong phòng, chống dịch thời gian qua.
“Chúng ta nhận biết đúng kẻ thù nhưng có những giải pháp ta đưa ra chưa trúng hoặc gây lãng phí nguồn lực. Chuyện chúng ta đi phun hoá chất khử khuẩn ngoài đường phố, trên cây, vỉa hè ở diện rộng như vậy rõ ràng lãng phí nguồn lực và nhân lực nhưng hiệu quả rất thấp, thậm chí không có hiệu quả. Vệ sinh môi trường làm việc, trong phòng làm việc, xưởng sản xuất thì có tác dụng nhưng nếu khử khuẩn diện rộng như thế là không đúng. Hay việc cấm người dân tập thể dục ở ngoài trời cũng cần phải xem xét lại. Chúng ta đang đi theo hình thức là ngoài đường vắng, khu công cộng không có người là yên tâm giãn cách, cách ly tốt, nhưng ở trong các ngõ hẻm, các ngóc ngách, trong từng nhà, từng gia đình từng phòng, người dân tụ tập rất đông thì chúng ta lại không kiểm soát được. Những cái đó trái với con đường lây, virus lây ở phòng kín nhiều hơn ngoài trời. Thay vì chúng ta giãn cách không gian, làm loãng nồng độ virus ra mở không gian thật thoáng ra thì chúng ta lại cô đặc nó lại trong những không gian qui định như vậy. Đó là nhận biết đúng địch nhưng chưa đưa ra được giải pháp đúng” – PGS. TS Nguyễn Viết Lượng nói và cho rằng, nguồn lực thì có hạn, chúng ta không thể đáp ứng mãi theo kiểu này được, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ kiệt quệ.
Mục tiêu của chúng ta là an toàn cho người – tính mạng, sức khoẻ con người là trên hết nhưng việc phát triển kinh tế cũng không thể xem nhẹ. Bởi theo PGS Nguyễn Viết Lượng, vì kinh tế "chết" thì cũng không thể đảm báo an toàn tính mạng của người dân. Có thể giai đoạn này hay giai đoạn khác chúng ta đặt mục tiêu nào lên trên nhưng sâu xa việc duy trì sản xuất bền vững cũng chính là duy trì tính mạng cho con người.
Để sống an toàn với dịch, PGS Nguyễn Viết Lượng nhấn mạnh việc phải tiêm phòng vaccine, coi đây là vũ khí chiến lược, vũ khí căn ke nhất, cho dù tác dụng của vaccine ở mức độ nhất định.
Chúng ta đang làm chưa tốt về việc cá nhân hoá phòng chống dịch. Mỗi cá nhân an toàn, mỗi người an toàn thì công ty đó an toàn, cộng đồng đó an toàn, nhưng chúng ta chưa làm tốt. Câu chuyện chống dịch 5K hay gì khác thì suy cho cùng mỗi người phải biết cách tự bảo vệ mình.
Và cuối cùng là bảo vệ đối tượng yếu thế: Covid 19 không tấn công vào mọi đối tượng như nhau và đều tổn thương như nhau. Khoa học đã chứng minh, 70% người nhiễm COVID 19 là không có triệu chứng. Hãy ưu tiên những người yếu thế (người cao tuổi, người có bệnh nền) để từ đó giảm được tử vong.
Liên quan câu chuyện vaccine, việc sản xuất tự chủ được vaccine là chiến lược căn bản nhất trong bối cảnh hiện nay và lâu dài. Chính vì thế, các nhà quản lý, các nhà khoa học đừng ngồi một chỗ chờ DN trình lên rồi phê duyệt mà phải xuống với họ, xem anh vướng chỗ nào về mặt khoa học, thủ tục thì tôi giúp. DN sản xuất vaccine của chúng ta nhưng đừng xem đó là một DN đơn thuần cứ đủ điều kiện, giấy tờ thì cấp phép. Phải coi đó là những DN đặc biệt, họ vừa sản xuất nói chung vừa sản xuất ra vũ khí để chúng ta chống dịch./.