"Chìa khóa" xóa dự án treo
(DNTO) - Qua việc “siêu dự án” quy mô lên đến 274ha ở Quảng Ninh bị hủy bỏ quy hoạch một lần nữa cho thấy chìa khóa mạnh nhất để xóa tình trạng dự án treo là thu hồi.
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định hủy bỏ quy hoạch phân khu chức năng Khu đô thị thương mại, du lịch sinh thái tại phường Đại Yên và phường Hà Khẩu tại TP Hạ Long.
Quảng Ninh liên tiếp hủy bỏ 3 quy hoạch
Lý do hủy bỏ quy hoạch trên theo UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án này hiện đã đến thời hạn rà soát theo quy định của Luật Quy hoạch Đô thị và không còn phù hợp với định hướng quy hoạch phân khu Khu phức hợp Hạ Long Xanh tại TP Hạ Long được phê duyệt năm 2019.
Được biết, dự án Khu đô thị thương mại, du lịch sinh thái trên đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch trên diện tích 274,5 ha vào tháng 2/2013 với phía Đông giáp khu dân cư Cienco 5; phía Tây giáp Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; phía Nam giáp sông Cái Cá, sông Kênh Chài, sông Bến Giang; phía Bắc giáp Quốc lộ 18A. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 232.369 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ USD).
Như vậy, lần hủy bỏ quy hoạch này là lần thứ 3 trong thời gian từ cuối năm 2020 tỉnh Quảng Ninh rà soát và hủy bỏ những quy hoạch không còn phù hợp.
Cụ thể, từ tháng 11/2020 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã “khai tử” quy hoạch 2 dự án gồm quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư đô thị tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long, được phê duyệt tại Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 và quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch và dịch vụ tại xã Việt Hưng, TP. Hạ Long (nay là phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long).
Xóa dự án treo
Thực tế cho thấy tình trạng các dự án được lập quy hoạch rồi “treo” nhiều năm không phải là hiếm tại các địa phương trên cả nước. Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng vừa công bố kết quả việc rà soát, kiểm tra, thanh tra các dự án trên địa bàn các quận, huyện đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai hoặc chậm tiến độ.
Theo đó, có 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha đất tại các quận huyện trên địa bàn Hà Nội bị đề nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.
Tại TP.HCM, vào thời điểm cuối năm 2020, UBND thành phố cũng đã thông báo sẽ “trảm” 108 dự án với diện tích hơn 473ha do chậm triển khai. Được biết, trong tổng số 108 dự án bị thu hồi có nhiều dự án về nhà ở, trường học… đã được cơ quan chức năng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai.
Tại Đà Nẵng, dù chưa có thống kê chính thức về số lượng dự án treo đến nay nhưng theo ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thì trong nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án “treo” kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch của dự án.
Còn theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, tổng diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được trên địa bàn Thành phố hiện là 348,44 ha. Trong đó, diện tích nằm trong dự án quy hoạch hơn 276 ha; diện tích nằm ngoài quy hoạch trên 72 ha.
Theo TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, hoặc do một số chủ đầu tư năng lực còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng bỏ không dự án, gây vi phạm Luật Đất đai.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, bên cạnh thu hồi cũng cần đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả.