Chỉ số giá tiêu dùng tăng trong tháng 10
(DNTO) - Rau củ, xăng dầu đều có xu hướng tăng giá, các trường điều chỉnh học phí… là những nhân tố sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP.HCM tăng trong tháng 10 này, theo nhận định của Sở Tài chính TP.HCM.
Giá cả tháng 10 sẽ chịu tác động bởi tình hình thời tiết mưa gây ảnh hưởng sản lượng của một số mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, đặc biệt là mặt hàng rau lá, từ đó tác động lên giá bán trên thị trường.
Giá xăng, dầu thế giới có xu hướng tăng từ đó tác động đến giá cả hàng hóa trong nước. Ngoài ra, một số trường đại học, cao đẳng sẽ điều chỉnh học phí từ dó tác động đến nhóm giáo dục khi bắt đầu chương trình năm học mới 2020-2021.
Tuy nhiên, dự đoán giá cả thị trường trong 3 tháng cuối năm 2020 có thể không biến động lớn”, bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM nhận định.
Trước đó, cơ quan thống kê cho biết CPI tháng 9/2020 tăng 0,17% so tháng trước; trong đó có 7 nhóm có chỉ số giả tăng, 3 nhóm có chỉ số giá giám và 1 nhóm có chỉ số giá không biến động.
Nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 1,39% do tác động điều chỉnh học phí vào đầu năm học tại một số trường trung cấp nghề kỹ thuật; hệ mẫu giáo công lập, tư thục; trường dân lập hệ trung học cơ sở, đại học, sau đại học tăng 3,48-7,72% và giá các mặt hàng sách, vớ, đồ dùng học tập tăng 0,26-2,4%. Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,82% so tháng trước do nhu cầu bảo dưỡng, sửa chừa các thiết bị và đường truyền mùa mưa bão. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đổt và vật liệu xây dưng tăng 0,36% chủ yếu do giá một số vật liệu xây dựng như cát vàng, sơn tường, bột trát tường tăng từ 0,21%- 2,26%; giá nước sinh hoạt tăng 1,84%, điện sinh hoạt tăng 1,78%, giá nhiên liệu chất đốt tăng 0,5% so tháng trước.
3 nhóm có chỉ số giá giảm gồm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,28% chủ yếu do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,27%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,06%.
Riêng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không thay đổi so tháng trước.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM, từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường còn chịu tác động của các yếu tố như việc cả nước và toàn thế giới xảy ra dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong đó nặng nề nhất là mảng du lịch, khách sạn, nhà hàng ăn uống, giao thương, sản xuất... từ đó làm giá cả thị trường biến động.
Nguyên nhân nữa tác động từ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng lên mức 4.180.000 đến 4.420.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ ảnh hưởng đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Trong năm, sau khi bắt đầu 4 Chương trình bình ổn thị trường, đến nay, giá bán các mặt hàng tham gia Chương trình Bình ổn thị trường như mặt hàng sữa mùa khai trường, dược phẩm... được giữ ổn định; riêng giá bán các mặt hàng thịt heo và gạo tham gia Chương trình Bình ổn thị trường được điều chỉnh 3 lần, trong đó 2 lần điều chỉnh giá mặt hàng thịt lợn và 1 lần tăng giá mặt hàng gạo.
Hiện giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều đảm bảo “thấp hơn giá thị trường từ 5%-10%”. Cụ thể, giá gạo thấp hơn giá thị trường 8-14%; đường ăn thấp hơn 10%; dầu ăn thấp hơn 15%; thịt gia cầm thấp hơn 14-28%; thịt gia súc thấp hơn 5-13%; trứng gia cầm thấp hơn 6-7%.
Theo VNN