Chất Etylen oxit có trong mì Hảo Hảo và khuyến nghị dành cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam
(DNTO) - Việc một số sản phẩm mì gói xuất khẩu Việt Nam bị EU “tuýt còi” do có chứa Etylen oxit (EO). là tín hiệu cảnh báo cho doanh nghiệp sản xuất cần thường xuyên nghiên cứu, cập nhật tiêu chuẩn của thị trường trước khi đưa hàng xuất khẩu.
Mới đây, một số sản phẩm như mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook, mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương, đã bị EU cảnh báo về hàm lượng hợp chất Etylen oxit vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), chuỗi cung ứng của những sản phẩm này có thể gồm nhiều nhánh nhỏ để tạo ra các thành phần khác nhau, trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm coi là mối quan tâm hàng đầu.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các đơn vị gia công để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro; đồng thời làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu, bao bì không xảy ra sự cố.
Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định về việc sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm tại mỗi quốc gia, khu vực lại khác nhau …
"Cùng một mặt hàng thực phẩm nhưng dư lượng EO có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu", Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo.
Thực tế, thời gian qua, không chỉ riêng các sản phẩm của Việt Nam mà nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước thuộc EU cũng vấp phải tình trạng dư thừa lượng EO.
Theo dữ liệu của Hệ thống cảnh báo nhanh các mặt hàng thực phẩm (RASFF), tới thời điểm hiện tại, các nước châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao... Trong đó đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 và các sản phẩm có liên quan.
Hiện nay, nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp/thực phẩm hay dư lượng trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, với EU: Tùy loại thực phẩm/phụ gia mà giới hạn nằm trong khoảng 0,02 – 0,2 mg/kg (tổng hàm lượng EO và 2-chloroethanol).
Tại Hoa Kỳ: Trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol.
Canada: Trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng: 7 mg/kg đối với EO; 940 mg/kg đối với 2-chloroethanol.
Hàn Quốc: Giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg đối với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.