'Cần trái phiếu Chính phủ đặc thù dành riêng cho những đại dự án tỷ USD'
(DNTO) - Để huy động thêm các nhà đầu tư, chuyên gia bày tỏ mong muốn có trái phiếu Chính phủ đặc thù dành riêng cho những đại dự án nhiều tỷ USD. Đơn cử như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, hoàn thành năm 2035.
Tại Tọa đàm “Thị trường trái phiếu Chính phủ 15 năm: Dấu ấn và triển vọng”, chiều 5/12, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, quy mô dư nợ trái phiếu Chính phủ tăng từ 6% GDP lên 23% GDP (gần 4 lần), trong khi GDP của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh.
Quý III năm nay, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng dài hạn là 60,5% (tăng khoảng 40% so với năm 2009). Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thanh khoản thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam (khoảng 100 tỷ USD) vẫn còn nhỏ so với nhiều nước ASEAN. Chẳng hạn, tại Philippines, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ lớn gấp 2 lần Việt Nam. Đáng chú ý, mức độ thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam còn rất hạn chế.
“Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều loại trái phiếu Chính phủ của các quốc gia để lựa chọn. Khi so sánh về rủi ro và lãi suất thì trái phiếu Chính phủ của Việt Nam chưa hấp dẫn lắm. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được S&P và Fitch xếp hạng ở mức BB+, vẫn thấp hơn ngưỡng đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong khi họ đều muốn nhắm tới những công cụ đầu tư an toàn, rủi ro thấp và lợi suất cao hơn”, ông Ketut Ariadi Kusuma nhận định.
Đồng thời lưu ý, một số tổ chức như JP Morgan yêu cầu phải đạt 25 nghìn tỷ đồng/mã trái phiếu. Việt Nam cũng đã có mã trái phiếu Chính phủ đạt mức 20 nghìn tỷ đồng, nhưng cần số lượng lớn mã có quy mô tối thiểu 1 tỷ USD (25 nghìn tỷ đồng). Nếu muốn đưa trái phiếu Chính phủ Việt Nam vào rổ chỉ số trái phiếu toàn cầu thì phải giải quyết được vấn đề rủi ro về thanh khoản, quy mô và ký quỹ trước giao dịch.
Ông Vũ Quang Đông, Phó Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, đề xuất đối với thị trường sơ cấp trái phiếu Chính phủ, nên phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ theo hướng bền vững, đảm bảo có đầy đủ kỳ hạn trái phiếu ngắn hạn, dài hạn từ 3-30 năm, đồng thời có thêm những sản phẩm như trái phiếu Chính phủ gắn với rủi ro lạm phát.
Đối với thị trường thứ cấp, cần tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.
"Gần đây, Chính phủ có rất nhiều đại dự án, quy mô nhiều tỷ USD, mong muốn có những trái phiếu Chính phủ đặc thù dành riêng cho những dự án này để các ngân hàng thương mại tham gia, cân bằng nguồn vốn cho Ngân hàng Nhà nước", ông Đông nói.
Để tạo thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán thứ cấp, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhấn mạnh, cần đa dạng hóa công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá), góp phần tăng độ sâu và độ sôi động cho thị trường.