Cần giảm thuế phí xăng dầu về ngưỡng nền kinh tế, người dân có thể chịu được
(DNTO) - Hàng loạt tài xế taxi công nghệ muốn bỏ việc, người dân chật vật trong cơn bão giá… là tác động thực tế khi giá xăng dầu liên tục leo thang trong những ngày vừa qua.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá, trong đó riêng mặt hàng xăng đã có 12 lần điều chỉnh tăng. Tại kỳ điều chỉnh ngày 13/6, giá xăng Ron95 lên mức 32.375 đồng/lít, cao nhất trong lịch sử.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.
Một số liệu rất đáng lưu ý là bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%).
Lạm phát cơ bản là thay đổi trong chi phí hàng hóa dịch vụ, không bao gồm chi phí của các ngành có giá thường xuyên biến động như thực phẩm và năng lượng. Điều này đã phản ánh giá tiêu dùng Việt Nam trong những tháng đầu năm chủ yếu do biến động giá xăng dầu tăng.
Tác động giá xăng dầu tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng gia tăng tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp và túi tiền của người dân. Vì vậy, đề xuất tiếp tục giảm thuế, phí xăng dầu được các đại biểu đặt lên bàn làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, đối với quỹ, phải có công cụ, ngoài điều hành sử dụng thì phải tính để có dư địa điều hành. Khi sử dụng phải hài hòa lợi ích của cả nhà nước, người dân, doanh nghiệp (doanh nghiệp vừa sử dụng xăng dầu, vừa sản xuất và kinh doanh xăng dầu).
Hiện nay, điều hành giá xăng dầu dựa vào các công cụ là thuế, phí và quỹ bình ổn giá (BOG).
Quỹ BOG hiện đang báo âm ở các đầu mối xăng dầu lớn nhỏ. Tuy nhiên việc điều hành giá hiện nay đang thực hiện là vừa trích lập, vừa xả quỹ này.
Hiện có nhiều đề xuất loại bỏ Quỹ BOG vì không còn nhiều tác dụng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cần nhìn lại thực tế rằng, thời gian qua,Quỹ BOG đã được linh hoạt sử dụng, chi cho các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 100-1.500 đồng/lít, góp phần kìm đà tăng giá xăng dầu trong nước thấp hơn mức tăng giá xăng thế giới.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, nếu không tiếp tục điều chỉnh giảm các loại thuế phí để tạo thêm dư địa điều hành giá xăng dầu trong nước mà lại bỏ ngay quỹ BOG thì là một khó khăn rất lớn, tạo thêm áp lực tăng giá xăng dầu chứ chưa hẳn giảm được giá. Còn việc bỏ quỹ BOG để xăng dầu phát triển theo quy luật thị trường, điều hành bằng thuế, phí là giải pháp căn cơ, về lâu dài chứ chưa thể đột ngột loại bỏ.
Còn về thuế phí tính chung đang chiếm 40% cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, tùy theo thời điểm sẽ điều chỉnh. Ví dụ, để kìm đà tăng giá xăng dầu, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ ngày 1/4 đến hết năm nay.
Riêng với mặt hàng xăng, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10-11.000 đồng/lít) trong cơ cấu giá xăng. Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít.
Không thể phủ nhận thuế phí là nguồn thu của ngân sách, nên áp vào mặt hàng xăng dầu là tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao như hiện nay, cũng phải tính đến phương án giảm thêm các loại thuế phí để kìm đà tăng giá xăng dầu trong thời gian tới.
Bởi theo dự đoán, giá xăng dầu còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng cao về giá, nhưng có khả năng giảm sản lượng và nguồn cung bán ra trên thị trường. Vì vậy cần có dư địa để điều chỉnh trong thời gian tới.
Xăng dầu hiện chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tếvà 1,52% trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Do đó cần phải đưa giá xăng dầu về mức chịu đựng được của nền kinh tế và người dân, để giảm áp lực các loại hàng hóa té nước theo mưa, góp phần kiểm soát lạm phát và tăng trưởng GDP theo mục tiêu đề ra.