Cách startup ‘bơi’ trong bình thường mới: Liên tục bám sát thị trường
(DNTO) - Thị trường, hành vi người tiêu dùng liên tục thay đổi trong và sau đại dịch, vì vậy, startup dù mới hay đã hoạt động nhiều năm cũng phải liên tục thực hiện nghiên cứu thị trường để có kế hoạch thay đổi, cải tiến sản phẩm, mô hình phù hợp.
Đại dịch Covid-19 với những tác động sâu rộng trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội đã làm thay đổi cơ bản những xu hướng tiêu dùng hiện nay. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến việc mua sắm có kế hoạch, chuyển sang tiêu dùng bền vững, ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khỏe, các sản phẩm xanh cũng như tăng cường các tương tác, giao dịch trực tuyến… Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hiện đại buộc các doanh nghiệp, startup phải thường xuyên rà soát mô hình kinh doanh của mình để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
“Có câu rất cơ bản của nền kinh tế thị trường, đó là đừng bán những gì chúng ta có, mà hãy bán những gì thị trường cần. Vì vậy, trước khi làm điều gì đó phải nghiên cứu thị trường. Do đó không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn nước ngoài khi đến Việt Nam đều chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu thị trường, bởi chỉ như vậy họ mới có thể hiểu được tâm lý, hành vi tiêu dùng của người Việt, để từ đó họ có thể sáng tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam”, ông Phan Hồng Quân - Chủ tịch Viet Startups Exchange - Cố vấn cao cấp Ivy Capital nói.
Không chỉ với startup non trẻ mới cần hiểu thị trường, mà ngay cả startup đã bước sang năm thứ 9 hoạt động và 3 lần gọi vốn thành công như Jupviec.vn cũng phải thường xuyên phải thực hiện hoạt động nghiên cứu thị trường để có sự điều chỉnh mô hình, hoạt động kinh doanh phù hợp.
Phan Hồng Minh - CEO/ Founder, Jupviec.vn cho biết, sau 9 năm hoạt động, startup cung cấp dịch vụ giúp việc cho gia đình này vẫn duy trì thực hiện báo cáo thị trường cho từng nhóm, kể cả nhóm kế toán cũng có thể nghiên cứu các công cụ trên thị trường hiện có để tăng hiệu suất, hay nhóm nhân sự phải nghiên cứu thị trường để biết các công ty khác đang thực hiện chính sách như thế nào…
Chia sẻ về các phương pháp nghiên cứu thị trường, ông Minh cho biết, startup có thể tham khảo mô hình tương tự trên thị trường, xem các báo cáo ngành, báo cáo doanh nghiệp đối thủ… Ngoài ra, đội ngũ của startup có thể tiếp xúc trực tiếp với người dùng để lấy thông tin. Đây cũng là phương pháp Jupviec.vn đã thực hiện trong những ngày đầu triển khai.
“Bản thân tôi không phải phụ nữ nên khi khởi nghiệp lĩnh vực này, tôi phải hỏi rất nhiều người, đặc biệt những người giúp việc… để hiểu họ, từ đó có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường. Ngoài ra có thể thử triển khai sản phẩm ở quy mô nhỏ để kiểm tra sản phẩm có phù hợp hay không”, ông Minh nói.
Vấn đề thị trường cũng là nội dung đầu tiên trong chiến lược 5P (Problem, Product, Plan, People, Procedure) – 1F (Finance) mà ông Joseph Nguyễn, CEO Nhan Edu, Giảng viên quản trị kinh doanh tại Đại học UBIS (Thụy Sĩ) khuyến nghị startup khi bước vào thị trường.
Cụ thể, theo ông Nhân, vấn đề của thị trường, vấn đề trong cộng đồng, vấn đề của khách hàng mục tiêu là điều mà startup phải quan tâm đầu tiên khi thiết kế sản phẩm. Nhiều startup không tiếp cận mô hình startup nhanh gọn mà lại rất cầu toàn, tập trung hoàn thiện sản phẩm mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của nhưng khi đưa ra thị trường không được đón nhận sẽ rất lãng phí.
Ở góc độ của các “cá mập” khi tìm kiếm startup, bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư tại Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) cho biết, bản thân các quỹ đầu tư khi tiếp cận với startup cũng phải tìm hiểu quy mô về thị trường. Ở Việt Nam, để tìm hiểu về thị trường rất khó ra nguồn thông tin cảm thấy tin tưởng. Vì vậy nếu nhà sáng lập tự thực hiện phỏng vấn với khách hàng tiềm năng, hay thử nghiệm sản phẩm ở quy mô nhỏ và thu được dữ liệu thì có thể chủ động và gửi thông tin cho quỹ đầu tư để hỗ trợ việc ra quyết định của các quỹ.
“Đối các quỹ đầu tư ngoại như Genesia Ventures, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm các dữ liệu liên quan ở các thị trường khác để giúp startup Việt Nam có tầm nhìn tốt hơn”, bà Dung nói.