Các trường hợp trốn khai báo y tế hoặc cản trở quá trình truy vết sẽ bị xử lý thế nào?
(DNTO) - Sáng 1/2, Bộ Y tế phát đi thông báo kêu gọi người dân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
“Tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”
Theo thông báo từ Bộ Y tế, Việt Nam đang bước vào đợt bùng phát dịch thứ ba. Rất nhiều tổn thất, thiệt hại không thể kể được bằng con số như trường học đóng cửa, lao động mất việc, toàn dân lo việc mất tết.
Thế nhưng tới 20% các F0 (bệnh nhân nhiễm Covid-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác. Cá biệt, có ca F0 và hàng trăm ca F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do: “Tôi rất khỏe, tôi có làm sao đâu”.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ trưởng Bộ Y tế đã triệu tập khẩn cấp Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 để đẩy nhanh tốc độ truy vết các F1, F2.
Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ, đại diện tổ truy vết cho biết khoảng 20% bệnh nhân (F0) không hợp tác, chưa kể các trường hợp F1 và F2. Có người khi bị truy vết còn tắt máy, chặn số của Bộ Y tế và đội ngũ chuyên môn. Việc này khiến công tác thu thập thông tin dịch tễ để khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn.
Dư luận lo lắng về những trường hợp né khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực tình trạng sức khỏe bản thân, từ đó làm lây lan dịch bệnh cho người thân và xã hội. Vậy về quy định pháp lý hiện có quy định nào để xử ký những “ca khó” này không?
Mức phạt có thể lên tới 12 triệu đồng
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, trách nhiệm của người dân là phải khai báo y tế trung thực và tự giác. Hành vi chậm, trốn tránh khai báo y tế, tùy vào tính chất mức độ và hậu quả xảy ra có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dẫn Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, luật sư phân tích SARS-CoV-2 đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao) từ ngày 29/1/2020.
Theo luật sư Cường, Điều 11 Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan chức năng thì bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Còn hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt hành chính 15-20 triệu.
Luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng quy định hiện hành có đầy đủ biện pháp chế tài để xử lý.
LS Nông nói: Hành vi không khai báo hoặc khai báo gian dối có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả cộng đồng, xã hội. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.Về hình sự, theo LS Nông, hành vi trên có thể bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 BLHS 2015; hoặc tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015, khung hình phạt có thể đến 12 năm tù.
Tòa án Nhân dân Tối cao kịp thời có công văn hướng dẫn
Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45 ngày 30-3-2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo hướng dẫn tại công văn thì người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện những hành vi làm lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Đó là hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà thực hiện các hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS.